Dạy các em tự kỷ, giáo viên không chỉ cần kiến thức, mà cả tình yêu thương, chia sẻ và nhẫn nại...
Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP được thành lập với mong muốn trở thành mái ấm, điểm tựa vững vàng để những đứa trẻ đặc biệt bắt đầu bước chân đầu tiên trong hành trình tự lập. Ở đây, các em được học kỹ năng, hướng nghiệp, có thể làm nghề và nhận thành quả từ chính khả năng của mình.
Trong ngôi nhà ở đường Ngô Văn Sở (TP Vinh, Nghệ An), các thành viên Câu lạc bộ Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP đang miệt mài vẽ và sơn màu lên chiếc túi cói, nón lá, quyển sổ… Trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam vừa qua, những sản phẩm thủ công có hình cờ đỏ sao vàng được nhiều khách hàng chú ý và đặt mua. Trường Hưng - thành viên của câu lạc bộ đã biết báo giá thành sản phẩm và đưa mã QR để khách hàng thanh toán.
Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng từng chiếc túi vẽ tay, cuốn sổ bìa vải, bức tranh màu nước, sơn dầu... khi đưa ra giới thiệu, bày bán được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ, đẹp mắt. Mỗi sản phẩm được người mua đón nhận, nhóm lại có thêm khoản thu nhập và dành lại một phần để trả lương cho các thành viên.
Sau thời gian học nghề và làm thử nhiều sản phẩm, các thành viên của câu lạc bộ đã nhận “tháng lương” đựng trong chiếc phong bì xinh xắn. Số tiền không lớn, nhưng niềm vui, háo hức hiện rõ trên gương mặt ngây thơ của các em, cả sự xúc động rưng rưng của bố mẹ khi chứng kiến thành quả lao động đầu tiên từ con mình.
Trường Hưng, Gia Phú, Minh Nguyệt, Dũng… thành viên của câu lạc bộ là những đứa trẻ đặc biệt và dị biệt. Các em sinh ra với cơ thể lành lặn, mạnh khỏe nhưng lại mắc hội chứng tự kỷ. Chị Trần Thị Phúc (mẹ của Minh Nguyệt) đưa con đến Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP mới hơn 1 tháng.
Cách đây khoảng 15 năm, kiến thức về hội chứng tự kỷ chưa phổ biến, nhưng đồng hành cùng Minh Nguyệt, đến nay chị như một chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt. Cô bé chậm nói, rụt rè ngày nào giờ đã cười nhiều hơn, cởi mở, không ngại tiếp xúc với người lạ. Chị cho con thử học đàn, học vẽ, học nấu ăn ở Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam. Và điểm đến bây giờ là Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP để bước vào hành trình mới, học kỹ năng, làm các sản phẩm thủ công theo đơn đặt hàng...
“Năm nay con gái bước vào tuổi 18. Ở ngưỡng cửa này, tôi mong con có một nơi để định hướng nghề nghiệp, làm việc và lâu dài có thể lao động, sống như người bình thường…”, chị Trần Thị Phúc nói.
Chị Trần Thu Phương - người thành lập Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP cũng là mẹ một đứa trẻ đặc biệt. Con trai thứ 2 của chị - Nguyễn Trường Hưng sinh ra khỏe mạnh, khôi ngô như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng đến gần 2 tuổi, chị quan sát và thấy con có dấu hiện “thoái lui ngôn ngữ”. Dù không mong muốn và đầy bất an, nhưng sự nhạy cảm của người mẹ thôi thúc chị đưa con đi khám và nhận được kết quả Trường Hưng mắc hội chứng tự kỷ.
Chấp nhận “không thể có một phép màu để làm thay đổi”, người mẹ bắt đầu hành trình mới cùng con. Chị cho Trường Hưng học can thiệp ở trung tâm chuyên biệt, sau đó vào học hòa nhập ở trường tiểu học. Đến năm 12 tuổi, kiến thức THCS quá sức với mức độ nhận thức của con, chị đăng ký cho con học hệ trung cấp hội họa ở Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
Khi con trai bước sang tuổi 16, chị Thu Phương bắt đầu tính đến tương lai xa hơn. Theo chị Thu Phương, Nghệ An hiện nay mới chỉ có các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, chức năng can thiệp sớm ở độ tuổi nhỏ. Còn lại chưa có trung tâm kỹ năng hay dạy nghề nào cho người mắc hội chứng tự kỷ khi trưởng thành. Trong khi đó, về lâu dài điều mà các em cần và gia đình mong muốn đó là các em có nơi để học nghề, sinh hoạt và lao động.
Chị đã đi tìm hiểu, khảo sát và dự định gửi con vào Dự án Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ tại Hà Nội do ThS Phan Thị Lan Hương công tác tại Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước đây) sáng lập.
Nhưng điều bất cập là trẻ tự kỷ trong quá trình học tập, can thiệp cần bố mẹ, người thân bên cạnh, cùng với môi trường sống an toàn thân thuộc. Trong khi bố mẹ phải làm việc, lo lắng kinh tế gia đình, kể cả chăm sóc những đứa con khác. Vì vậy, chị trình bày nguyện vọng được xây dựng mô hình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ ở Nghệ An.
Chị Thu Phương xây dựng câu lạc bộ bằng chính tấm lòng của người mẹ và đặt tên Gia An với ý nghĩa: Gia đình - Bình An. Mục tiêu trước hết là giúp các trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân, vệ sinh, nấu ăn đơn giản, có kỹ năng bảo vệ mình và học nghề nghiệp nào đó phù hợp. Những việc mà câu lạc bộ Gia An đang định hướng cho các bạn trẻ đặc biệt này là nghề thủ công: Làm sổ tay, thêu tay, vẽ tranh lên túi cói, túi vải…
Hiện tại câu lạc bộ có giáo viên phụ trách dạy can thiệp, kỹ năng, dạy vẽ và dạy nghề thêu móc. Ở ngôi nhà Gia An, các thành viên học nghề, làm việc, có thời gian vận động, hát múa… Buổi trưa, các em ở lại cùng giáo viên học nấu ăn, dọn dẹp, vệ sinh.
Là giáo viên có gần 10 năm kinh nghiệm trong giáo dục trẻ hội chứng tự kỷ, cô Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng đây là những học sinh “giáo dục đặc biệt”, nhưng tôi dạy các em như học sinh bình thường có cá tính, bản sắc riêng. Dạy các em, chúng tôi không chỉ cần kiến thức, mà cả tình yêu thương, chia sẻ và nhẫn nại. Thành quả học tập chính là sự tiến bộ của các em mỗi ngày và đây là nguồn động lực lớn để chúng tôi tiếp tục công việc”.
Nói về Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP, chị Trần Thu Phương tâm sự: “Bố mẹ dù yêu thương con vô điều kiện nhưng ngày nào đó cũng già đi, không chăm sóc con được nữa.
Gia đình có thể chuẩn bị sẵn một khoản tài chính dự phòng để chu cấp, nhưng không thể đảm bảo con có thể tự lo cho bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh. Người bình thường cần học tập, lao động để kiếm sống, có niềm vui, mục tiêu trong cuộc đời thì những đứa trẻ tự kỷ cũng vậy. Các em cần làm việc, kích hoạt kỹ năng, suy nghĩ phù hợp với thế giới nhận thức của mình”.
Theo chị Thu Phương, những đứa trẻ tham gia câu lạc bộ có nghĩa đã bước chân vào hành trình mới để tự chủ, tự tin và tự lập. Tôi mong các phụ huynh khác hiểu rằng trẻ sinh ra đều là những đứa trẻ đặc biệt quan trọng và kỳ diệu theo cách của riêng mình, như chính tên Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP (very important person).