Ít nhất 73 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bangladesh ngày 4/8, khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng chục nghìn người biểu tình đòi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Một nhóm cầm gậy gộc trong cuộc biểu tình ngày 4/8 để đòi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ Bangladesh tuyên bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc, bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 4/8 (giờ địa phương), lần đầu tiên kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình vào tháng trước. Chính phủ nước này cũng tuyên bố kỳ nghỉ chung kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 5/8.
Đợt bất ổn lần này là thử thách lớn nhất đối với Thủ tướng Hasina trong 20 năm lãnh đạo, sau khi bà giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.
Phe chỉ trích bà Hasina và các nhóm nhân quyền cho rằng chính phủ dùng vũ lực quá mức với những người biểu tình.
Ngày 4/8, người biểu tình chặn các xa lộ chính, sau khi phong trào sinh viên biểu tình phát động chương trình bất hợp tác để gây sức ép đòi Chính phủ Bangladesh từ chức, và bạo lực lan rộng trên toàn quốc.
"Những người biểu tình trên đường phố không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố, đang tìm cách gây bất ổn cho đất nước", bà Hasina phát biểu sau cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia, với sự tham dự của các tướng lĩnh lục quân, hải quân, không quân, cảnh sát và các cơ quan khác.
"Tôi kêu gọi đàn áp những kẻ khủng bố bằng bàn tay mạnh mẽ", Thủ tướng Sheikh Hasina tuyên bố.
Các đồn cảnh sát và văn phòng đảng cầm quyền trở thành mục tiêu bị tấn công, khi làn sóng bạo lực làm rung chuyển đất nước 170 triệu dân. 12 cảnh sát bị đánh chết tại huyện Sirajganj, cảnh sát địa phương cho biết.
Ít nhất 8 người, bao gồm 2 sinh viên và 1 lãnh đạo đảng cầm quyền, đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ dữ dội ở một số khu vực thuộc thủ đô Dhaka.
Hai công nhân xây dựng thiệt mạng trên đường đi làm và 30 người bị thương ở quận trung tâm Munsiganj, trong cuộc đụng độ ba bên giữa người biểu tình, cảnh sát và nhóm các nhà hoạt động của đảng cầm quyền.
Các hãng cung cấp tín hiệu di động cho biết, đây là lần thứ hai chính phủ chặn dịch vụ internet tốc độ cao kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra, khiến người dân không thể dùng các mạng xã hội như Facebook và WhatsApp.
Reuters dẫn nội dung bản ghi nhớ mật của chính phủ cho biết, Chính phủ Bangladesh đã chỉ thị cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này phải tắt sóng 4G từ ngày 4/8, vô hiệu hóa các dịch vụ internet.