Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, chỉ tính riêng trong 2 năm 2021 và 2022 đến nay từ nhiều nguồn ngân sách khác nhau, toàn tỉnh đã đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu như: Sách giáo khoa, sách giáo viên, tủ sách dùng chung với tổng kinh phí trên 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình dạy và học cho thấy, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra; tình trạng vừa thiếu, vừa thừa thiết bị dạy học còn xảy ra phổ biến.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: Sở GD&ĐT cùng phòng giáo dục các huyện, thành phố cũng đã mua sắm, bổ sung một số trang thiết bị mới phục vụ cho chương trình GDPT 2018. Cụ thể, hiện nay đối với cấp Tiểu học đã trang bị, bổ sung thiết bị mới khoảng 40%, cấp THCS được khoảng 25% còn đối với cấp THPT chưa mua sắm được thiết bị mới, tuy nhiên Sở GDĐT đã rà soát trang thiết bị tại các trường đạt khoảng 60%.
Ngay từ đầu năm 2023, sở GD&ĐT Thái Nguyên đã có phương án tiếp tục mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó đề nghị các huyện, thành phố dành nguồn kinh phí theo chương trình, đề án kế hoạch để mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các trường học mầm non, Tiểu học, THCS thuộc quản lý của cấp huyện, thành phố.
Như vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt thì hệ thống cơ vật chất, thiết bị dạy học là động lực giúp học sinh kết hợp học kiến thức đi đôi với thực hành. Chính bởi vậy, ngành giáo dục Thái Nguyên cần khắc phục những khó khăn do thiếu các trang thiết bị dạy học theo chương trình mới và khai thác sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học hiện có.
Trong điều kiện hiện nay cũng cần khuyến khích các nhà trường phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự làm đồ dùng dạy học cho đội ngũ giáo viên. Đây cũng là cơ hội cho đội ngũ giáo viên phát huy năng lực, trách nhiệm trong đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học.