Vị thế "công xưởng thế giới" của Trung Quốc suy yếu
Việc chỉ dựa vào các hoạt động của Trung Quốc không còn được coi là lựa chọn an toàn nhất cho các nhà sản xuất, vì vị thế “công xưởng của thế giới” của quốc gia này không còn mạnh như trước đây.
Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, với tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số tăng, khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc thuê lao động có kỹ năng.
Không chỉ vậy, tình trạng hàng tồn kho lớn hậu đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm đến các mặt hàng thể thao tăng vọt. Khách hàng tiếp tục mua vì nghĩ rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài ít nhất đến năm 2024.
Và họ đã yêu cầu Cheng đẩy mạnh sản xuất vào năm ngoái. Giờ đây, hàng tồn kho của họ đã quá nhiều và họ phải hạn chế mua hàng trong năm nay, kết quả là số lượng đơn đặt hàng nhận được của Cheng giảm gần 70%.
Xu hướng này cũng được nhìn thấy ở các công ty trong lĩnh vực xe đạp, dụng cụ thể thao và quần áo.
"Áp lực hàng tồn kho đối với các khách hàng châu Âu và Mỹ là rất lớn", Cheng nói.
Matthew Fass, chủ tịch của Maritime Products International ở bang Virginia, Mỹ, cho biết tình hình tồn kho, chiến tranh thương mại và nhu cầu suy giảm đều làm phức tạp quá trình ra quyết định xung quanh chuỗi cung ứng.
Theo SCMP, các nhà quản lý Trung Quốc đã nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn báo cáo sự sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay.
Liu Kaiming, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Viện Quan sát Đương đại có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết một khi các công ty rời đi, họ sẽ không quay trở lại.
“Một số lượng lớn các công ty Trung Quốc cũng tiếp tục đầu tư vào năng lực ở nước ngoài để tồn tại. Đây là một xu hướng sẽ không dừng lại", Liu nói.