Với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2023 đã thu hút sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2013, đến nay Hội chợ Du lịch quốc tế VITM đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến du lịch hết sức quan trọng, là ngày hội có quy mô lớn của ngành Du lịch, mang lại những cơ hội thiết thực giúp các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các địa phương trong nước và quốc tế gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng phát triển.
Đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn và có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia; phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại.
Du lịch đồng thời là cầu nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hóa được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đánh giá cao sự chủ động, sâu sắc của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ năm này là “Du lịch Văn hóa”.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; là nguồn lực quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Du lịch Việt Nam cũng đang ngày càng chú trọng hơn tới sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp; thủ tục thuận tiện, đơn giản; giá cả cạnh tranh; môi trường vệ sinh sạch đẹp; điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện; nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với phát triển xanh, bền vững, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm.
“Tại Hội chợ, các doanh nghiệp du lịch sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác mới, tìm được nhiều hướng kinh doanh mới. Sẽ có nhiều hợp đồng được ký kết, tạo đà cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham gia vào chuỗi hoạt động tại Hội chợ trong thời gian tới.
Các địa phương sẽ kết nối được với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay phát triển sản phẩm theo hướng “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc”, xây dựng tour, tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phù hợp với thị hiếu của du khách” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đồng thời nhận định, sau Lễ khai mạc Hội chợ, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đặc biệt là việc tổ chức diễn đàn “Phát triển du lịch văn hoá Việt Nam” giúp cho chúng ta có những nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về văn hoá trong du lịch. Bởi lẽ, sản phẩm du lịch luôn gắn liền với văn hoá, mang đậm dấu ấn văn hoá. Qua đó, sẽ hạn chế đi những lệch chuẩn trong vấn đề xây dựng các sản phẩm văn hoá trong chuỗi hoạt động du lịch.
“Cùng với thương hiệu uy tín đó, và sự đổi mới, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, sự đúng đắn trong công tác lựa chọn các sự kiện, chúng tôi tin rằng Hội chợ lần này nhất định sẽ đạt được mục tiêu, khắc phục nhanh chóng những hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 tác động đến ngành Du lịch” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn; cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với đông đảo du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 sẽ diễn từ 13-16/4, gồm nhiều hoạt động xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với du khách, hoạt động của các cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và quốc tế…
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động tại Hội chợ là Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”. Bên cạnh đó, tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” sẽ là một chủ đề nóng, thu hút nhiều người quan tâm, bởi phát triển du lịch phải luôn gắn với bảo vệ môi trường, coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch…
Trong khuôn khổ Hội chợ còn có một số chương trình xúc tiến du lịch quốc tế và nội địa như: Chương trình giới thiệu du lịch Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc); Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm”; Hội nghị “Quảng bá xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và TP. Hà Nội”; “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên”; Chương trình giới thiệu du lịch các tỉnh Kiên Giang, Lạng Sơn, Lào Cai…