Khi còn học ở Fulbright, Đan Tâm từng thực tập vị trí marketing và truyền thông tại các công ty lớn. Đây cũng là khoảng thời gian Tâm nhận thấy bản thân không hợp công việc, môi trường ngành. Quyết định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học là con đường đi ngược định hướng mà Tâm và gia đình đặt ra.
Tâm chọn Tâm lý học vì muốn cộng đồng thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ góc nhìn bao dung với người xung quanh. “Và để mình bao dung hơn với bản thân”, Tâm nói.
Dù đạt điểm cao trên lớp, Tâm từng nghĩ bản thân chưa đủ giỏi để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu hay giảng dạy. Bước ngoặt lớn trong đời Tâm xảy đến sau cuộc trò chuyện với TS Matthew McDonald - cố vấn học thuật ở Fulbright.
Tâm sự với Tâm, thầy bảo việc nghiên cứu và đi dạy không quá cao siêu. Có nhiều thứ mà người làm nghề như thầy vẫn chưa tìm thấy, biết hết câu trả lời.
“Nếu thích đọc bài viết khoa học, thích học hỏi, tìm tòi và chia sẻ khám phá của mình đến mọi người, em đã có trong tay mọi thứ để theo đuổi công việc này”, Tâm nhớ lại lời chia sẻ của thầy giáo.
Tâm đang hoàn thành luận án tốt nghiệp về trải nghiệm phân biệt giới của phụ nữ khi làm việc trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Theo quan sát của Tâm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao. Dù vậy, trải nghiệm của nữ giới ở môi trường làm việc có dễ chịu, thoải mái và bình đẳng?
“Mình biết thực tế có những câu chuyện không hay, nhưng nếu không ai đào sâu, cung cấp bằng chứng khoa học cụ thể, mọi người sẽ khó nhận thấy bức tranh toàn cảnh, thậm chí làm ngơ và không nghiêm túc giải quyết vấn đề”, Tâm nhìn nhận.
Đan Tâm (thứ hai từ trái sang) hiện là trợ lý nghiên cứu một số dự án ở Đại học Fulbright và Đại học Yale. |
Cuối năm 2022, Tâm ứng tuyển thành công vị trí trợ lý nghiên cứu dự án ở Đại học Yale về tác động chiến tranh đến sức khỏe tâm thần và cấp độ lão hóa của người lớn tuổi tại miền Trung Việt Nam. Dự án được dẫn dắt bởi GS Maria Gendron và TS Kathy Trang.
Tự nhận bản thân bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu trễ hơn mọi người, Tâm muốn dành một năm sau tốt nghiệp Fulbright để thu nạp thêm kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện hồ sơ, từ đó chinh phục tấm bằng cao học ngành Tâm lý học ở các trường đại học quốc tế. Chủ đề nghiên cứu tâm huyết nhất của Tâm là phân biệt giới tính, bình đẳng giới và làm sao thúc đẩy sáng kiến cộng đồng vì sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.