Khẳng định uy tín với người học là tiền đề hội nhập toàn cầu

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 17/03/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ về kiểm định chất lượng giáo dục Đại học...

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Quản lý chuẩn đầu ra là triết lý chính của bảo đảm chất lượng (BĐCL) chương trình đào tạo (CTĐT) mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng. Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải chú trọng đến yếu tố này để hình thành cơ chế “tự bảo vệ sức khỏe” bền vững.

Cần chú trọng yếu tố đầu ra

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, quá trình kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục hiện nay mới chỉ tập trung đo lường các yếu tố đầu vào và quá trình mà ít hoặc chưa chú ý đến kết quả đầu ra, chưa có đầy đủ thông tin để đối sánh, đánh giá được kết quả của cả quá trình giáo dục; do đó, không thể đánh giá toàn diện, khách quan chất lượng của từng CTĐT?

- Ở góc độ tiếp cận theo quy trình, chất lượng GDĐH được nhìn nhận là kết quả của 3 yếu tố: Đầu vào, quá trình và đầu ra của cả quá trình giáo dục. Chúng ta không thể xem nhẹ bất cứ yếu tố nào. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, với đòi hỏi cao của người sử dụng lao động, cần bổ sung các kỹ năng mềm để có thể thích ứng trong bối cảnh cạnh tranh khá khốc liệt của thị trường lao động. Việc thiết kế, xây dựng chuẩn đầu ra CTĐT là một trong những khâu quan trọng của quá trình phát triển CTĐT tại mỗi cơ sở GDĐH, giúp tạo thương hiệu, mang lại giá trị khác biệt bên cạnh chuẩn CTĐT được ban hành bởi cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn CTĐT; xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT các trình độ của GDĐH. Cách tiếp cận theo chuẩn đầu ra trong BĐCL CTĐT phù hợp với quy trình quản lý chất lượng cơ sở GDĐH của các nước có nền giáo dục tiên tiến, cũng như quan điểm của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA), hoặc tổ chức KĐCLGD của Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng cách tiếp cận này sẽ là “cú hích” để cơ sở GDĐH thực hiện cải tiến chất lượng liên tục các CTĐT. Vì vậy, tôi quan tâm nhiều về BĐCL khi cơ sở GDĐH tập trung cả yếu tố đầu vào, quá trình đào tạo, kết quả đầu ra. Tôi đề xuất các cơ sở GDĐH phải chú trọng đến yếu tố đầu ra một cách tường minh và đo lường, đánh giá, công khai, giải trình được với các bên liên quan. Từ đó, giúp hình thành cơ chế “tự bảo vệ sức khỏe” bền vững cho CTĐT, tạo tiền đề quan trọng để các CTĐT đạt tiêu chuẩn KĐCLGD trong nước cũng như quốc tế.

Khẳng định uy tín với người học là tiền đề hội nhập toàn cầu ảnh 1

PGS.TS Huỳnh Văn Chương.

Trước khi làm tốt cần làm đúng

- Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của các bên liên quan đối với công tác KĐCL giáo dục?

- Thể chế quản lý Nhà nước thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng tạo nên khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Đây là căn cứ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, trung tâm KĐCLGD đã được công nhận đủ điều kiện hoạt động, tuân thủ triển khai quy trình KĐCLGD theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, cơ sở GDĐH thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thực hiện KĐCLGD.

Chúng tôi luôn chia sẻ với các bên liên quan khi thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD: “Trước khi làm tốt cần làm đúng”. Trong quá trình triển khai KĐCLGD, thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các bên liên quan phát huy vai trò mắt xích, trong đó:

Cơ quan quản lý Nhà nước: Xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá thực hiện các quy định, quy chuẩn về bảo đảm và KĐCLGD; cấp giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động KĐCLGD đối với tổ chức KĐCLGD; theo dõi, giám sát quá trình triển khai hoạt động KĐCLGD.

Các trung tâm KĐCLGD: Sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành để triển khai đánh giá, công nhận hoặc không công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục đối với cơ sở GDĐH hoặc CTĐT.

Cơ sở GDĐH: Nghiên cứu, xem xét bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành để thực hiện tự đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy hiệu quả của hoạt động KĐCLGD. Trước khi kiểm định cần quyết liệt cải tiến chất lượng trong nội bộ CSGD.

Cơ chế quản lý của Nhà nước cùng việc giám sát của các bên liên quan sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ sở GDĐH về chất lượng đào tạo, tăng tính công khai, giải trình và chịu trách nhiệm xã hội, nhất là hướng đến tự chủ.

Khẳng định uy tín với người học là tiền đề hội nhập toàn cầu ảnh 2

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp về chính sách đóng vai trò quan trọng

- Còn nhiều băn khoăn về hệ thống BĐCL bên trong và bên ngoài của cơ sở GDĐH. Cần giải pháp nào để hoàn thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống này, theo ông?

- Hệ thống GDĐH Việt Nam bước đầu đã hình thành một hệ thống bảo đảm chất lượng tương đối hoàn chỉnh với 7 trung tâm KĐCLGD và 6 trung tâm nước ngoài đủ điều kiện hoạt động kiểm định - thành tố BĐCL bên ngoài. Đồng thời, thành lập các đơn vị BĐCL tại cơ sở GDĐH - thành tố cơ bản của hệ thống BĐCL bên trong. Hai hệ thống này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau.

Theo Điều 49, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, BĐCL giáo dục ĐH là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, hệ thống BĐCL giáo dục ĐH được thiết lập bao gồm hệ thống BĐCL bên trong và bên ngoài thông qua cơ chế KĐCL. Hai hệ thống BĐCL trong GDĐH ở Việt Nam đã hình thành và đang có chiều hướng ổn định, phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập về GDĐH diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện cơ chế BĐCL từ bên trong của cơ sở GDĐH, trong đó có tự đánh giá, cải tiến chất lượng liên tục các mặt hoạt động và thực hiện cơ chế KĐCLGD, đối sánh, xếp hạng từ bên ngoài trở thành một trong những cơ chế BĐCL được quan tâm hàng đầu. Điều này đòi hỏi mỗi cơ sở GDĐH phải chủ động xây dựng chính sách/chủ trương rõ ràng về chất lượng và thực hiện BĐCL giáo dục từ bên trong, để khẳng định uy tín, vị thế và hội nhập với nền GDĐH toàn cầu.

Giải pháp về chính sách đóng vai trò rất quan trọng để cơ sở GDĐH thực hiện thống nhất các hoạt động trong hệ thống BĐCL bên trong. Xây dựng các giải pháp chính sách cần tham khảo, học hỏi mô hình của các quốc gia có nền GDĐH phát triển, đồng thời kết hợp với điều kiện thực tế của GDĐH Việt Nam đang có đà phát triển rất nhanh. Cụ thể như sau:

Ở cấp cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT định hướng, tiếp tục xây dựng hướng dẫn cho cơ sở GDĐH trong xây dựng hệ thống BĐCL bên trong, song hành với xây dựng văn hóa chất lượng. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cơ sở GDĐH xây dựng hệ thống BĐCL bên trong hiệu quả ở nhiều cấp.

Cấp cơ sở GDĐH, cần tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch BĐCL cụ thể phù hợp với chiến lược phát triển của cơ sở GDĐH; xây dựng/cập nhật quy định, hướng dẫn về BĐCL bên trong; công khai chính sách về chất lượng và BĐCL trên website, phổ biến đến các bên liên quan.

Từng bước xây dựng, hình thành văn hóa chất lượng tại cơ sở GDĐH. Xây dựng tiêu chí về thi đua trong công tác BĐCL để khen thưởng đối với cá nhân, tập thể hằng năm. Xây dựng Sổ tay BĐCL/sách chuyên khảo về công tác BĐCL. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, cải tiến chính sách về công tác BĐCL giáo dục trong từng bối cảnh mới.

Giải pháp đột phá cho chu kỳ KĐCLGD mới

- Phần lớn cơ sở GDĐH đã hoàn thành 1 chu kỳ kiểm định, ông nhận thấy cần điều chỉnh những gì khi chuẩn bị bước vào chu kỳ kiểm định thứ hai?

- Cần phải có các giải pháp đột phá cho chu kỳ KĐCLGD mới đối với cơ sở GDĐH, góp phần nâng tầm cho GDĐH Việt Nam hiện nay theo hướng tự chủ ĐH. Công tác tự đánh giá và KĐCLGD chu kỳ đầu tiên đã giúp cho việc tổng rà soát công tác quản trị và quản lý ĐH ở quy mô toàn hệ thống. Công tác KĐCLGD tạo điều kiện cho mỗi trường ĐH và cả hệ thống nhìn nhận toàn diện mô hình BĐCL cụ thể được áp dụng ở Việt Nam, từ tiếp cận các mô hình bảo đảm và KĐCLGD quốc tế. Bước vào chu kỳ kiểm định thứ 2 đối với phần lớn cơ sở GDĐH, cần thực hiện điều chỉnh hệ thống ở những phương diện sau:

Cần có đánh giá tổng thể mang tầm quốc gia về toàn hệ thống KĐCLGD (bao gồm cả KĐCLGD mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và GDĐH); xác định rõ ràng và xa hơn đối với tầm nhìn của hệ thống KĐCLGD. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý điều hành về bảo đảm và KĐCLGD đối với GDĐH. Nâng cao năng lực của hệ thống BĐCL bên trong cơ sở GDĐH. Phát triển, nâng cao năng lực tổ chức KĐCLGD.

Tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về KĐCLGD. Nâng cao chất lượng, bảo đảm về số lượng kiểm định viên đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần có giải pháp truyền thông đầy đủ để khẳng định chất lượng của cơ sở GDĐH từ quá trình KĐCLGD, giúp người học, nhà tuyển dụng lao động có thêm cơ sở để lựa chọn học tập, hợp tác. Tham khảo kinh nghiệm để rút ngắn khoảng cách KĐCL GDĐH Việt Nam với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: Với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra CTĐT” được xem là yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Theo đó, cơ sở GDĐH không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt những chuẩn đầu ra mà cơ sở GDĐH đã tuyên bố trước đó. Quản lý xây dựng, thực hiện chuẩn đầu ra và “sử dụng kết quả đánh giá CTĐT để cải tiến chất lượng liên tục” là triết lý chính của BĐCL mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khẳng định uy tín với người học là tiền đề hội nhập toàn cầu