Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang tiến hành khảo sát năng lực tiếng Anh tất cả giáo viên phổ thông trên địa bàn TP với ước tính khoảng 73.000 người tham gia từ ngày 23 đến 29/4.
Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên cho biết trong ngày 23 và 24/4, họ mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc khảo sát năng lực tiếng Anh này.
Cô T., giáo viên một trường THPT tại TP.HCM, cho biết chiều 23/4 theo lịch của sở, cô thu xếp công việc, ở nhà làm bài khảo sát lúc 13h30 nhưng hơn 14h mới vào được. Tuy nhiên được vài phút thì đường truyền bị rớt. "Tôi gọi đến số điện thoại hỗ trợ nhưng mãi không được. Đến khi gọi được thì chỉ còn năm phút để làm bài. Bài không làm kịp nên tôi bị đánh trượt", cô T. bức xúc kể.
Cùng cảnh ngộ với cô T., thầy A. cũng cho biết: "Bài khảo sát thực hiện trong hai giờ nhưng tôi ngồi chờ đợi cả buổi chiều. Đã thế mạng rớt liên tục, gọi điện thoại hỗ trợ thì không được. Việc này vừa ảnh hưởng đến công việc vừa khiến tôi ức chế".
Nhiều giáo viên cũng cho biết thời điểm này các trường THPT đang tổ chức kiểm tra học kỳ 2 cho học sinh, công việc của các giáo viên "ngập đầu" nhưng vẫn phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh.
Ai cũng muốn "làm cho xong", "cho đúng quy định" nhưng mạng trục trặc đã ảnh hưởng đến công việc ở trường và công tác coi thi, chấm thi cho học sinh.
"Hôm qua tôi không thi được thì mấy ngày tới phải thi lại. Nhiều giáo viên trường tôi cũng trong hoàn cảnh đó, không biết rồi coi thi, chấm thi học kỳ 2 như thế nào", thầy A. bức xúc.
Trên các hội nhóm, giáo viên bàn tán rôm rả về độ khó của đề khảo sát năng lực tiếng Anh mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang thực hiện. Cô M., một giáo viên, than: "Nhìn cái đề Reading (đọc) tôi bị... rối loạn tiền đình luôn". Trong khi đó, một giáo viên khác nhận định: "Đề này trình độ C1 nên giáo viên không biết gì là đúng rồi".
Một giáo viên khác cũng nói: "Nhìn cái đề mà tôi hoảng. Đề khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên nói chung mà ra đề toàn học thuật với các nội dung liên quan đến tâm lý, sinh học, văn học... Tôi chịu hết nổi nên làm được khoảng nửa thời gian thì bỏ luôn".
Đáng nói là ngay cả giáo viên tiếng Anh cũng cảm thấy đề khảo sát năng lực của sở rất khó. Có trường hợp tổ trưởng tiếng Anh của trường cũng có kết quả khảo sát chỉ đạt mức trung bình. Trước thực tế đề khó như vậy, nhiều giáo viên phải nhờ người "thi hộ".
"Ở trường tôi có một số giáo viên bộ môn nhờ học sinh giỏi tiếng Anh vào thi giúp. Một số khác tìm đến giáo viên bản ngữ để nhờ thi. Kết quả là giáo viên tiếng Anh có kết quả thấp hơn một số giáo viên nhờ người thi hộ", cô N., một giáo viên, kể với phóng viên Tuổi Trẻ.
Chia sẻ về việc nhờ "thi hộ" này, một giáo viên kể họ "sợ mất mặt và cũng sợ phải học lại".
"Tôi rất bức xúc với kiểu khảo sát này. Khảo sát trực tuyến ai muốn làm giờ nào cũng được, ai muốn nhờ hỗ trợ cũng xong khiến kết quả không trung thực, không công bằng. Với cách thi như thế này thì kết quả khảo sát chắc chắn không phản ánh đúng năng lực tiếng Anh của từng giáo viên, cũng như không đạt được sự trung thực chung trong kết quả tổng quan toàn TP.
Vì thế tôi đề nghị khảo sát này phải tổ chức tập trung thì mới công bằng. Chứ thi ở nhà như thế này người mượn được người hỗ trợ thì sẽ đạt kết quả tốt. Người không được hỗ trợ thì kết quả không tốt, không công bằng cũng như không đánh giá được thực chất của năng lực giáo viên toàn TP về khả năng tiếng Anh", cô H., một giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM, có ý kiến.
Thầy P., một giáo viên khác, cho rằng để khảo sát hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cần căn cứ nhiều yếu tố. Thứ nhất là cơ sở để ra đề thi. Cơ sở để ra đề thi vừa phải căn cứ vào khung năng lực tiếng Anh sáu bậc của châu Âu và căn cứ việc dạy và học tiếng Anh thời giáo viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Phải có cả hai cơ sở đó mới có thể nhận định và đánh giá chính xác.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cần chặt chẽ, công khai, trung thực. Tránh các trường hợp giáo viên làm bài qua loa cho xong nhiệm vụ và cũng cần tránh giáo viên nhờ người làm bài "thi hộ".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng cần thu thập, thống kê số liệu về các chứng chỉ quốc tế đạt chuẩn mà giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên, tránh tổ chức thi tốn kém.
Ngoài ra cũng cần lưu ý tránh việc cào bằng, đánh đồng, lấy tiếng Anh làm chuẩn. Tuy không đạt kết quả tốt ở tiếng Anh, nhiều giáo viên lại có thể đạt kết quả tốt ở các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, Nhật, Hàn...