Một TikToker khác là @dungenglishspeaking cũng từng bị dân mạng phản ứng khi dịch “chất xám” là “mindworks” và dịch “the jar is cold” nghĩa là “ế”. Khi đó, hàng loạt TikToker chuyên làm nội dung về tiếng Anh đã lên video phản biện, cho rằng cách dịch này không đúng.
Để củng cố quan điểm, các TikToker tra từ điển, Google và hỏi người bản xứ về những nội dung TikToker này đưa ra. Trong video phản biện, người bản xứ tỏ ra bối rối khi nghe các cụm từ này và nhận xét không ai nói tiếng Anh như vậy. Dù vậy, TikToker @dungenglishspeaking vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và nói “rất nhiều người vẫn hiểu được”.
Là một người từng thích lên TikTok để học tiếng Anh, Thảo Ngân, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở Hà Nội, nói rằng cô nắm rõ những vụ lùm xùm, đấu tố nhau của các TikToker dạy tiếng Anh.
Ban đầu, Ngân theo dõi các TikToker này để học tiếng Anh vì video ngắn gọn, dễ tiếp nhận thông tin. Nhưng từ khi các video bóc phốt xuất hiện với tần suất dày đặc, cô phải bỏ theo dõi nhiều người vì không chịu nổi những nội dung tiêu cực như vậy.
Đối với Ngân, dạy tiếng Anh trên TikTok là một cách khá hay vì giúp người học tiếp cận và học nhanh hơn, nhưng điều này lại đang bị biến tướng nặng nề, khiến người xem cũng bị “cuốn vào drama” và quên đi mục đích ban đầu là học tiếng Anh.
Bàn về những trận chiến của các nhà sáng tạo nội dung về tiếng Anh trên TikTok, Phương Uyên, trợ giảng tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng cô phát mệt mỗi khi lướt trúng video của các TikToker này. Cô nói rằng nhiều người làm video với cái mác "dạy học" nhưng thực ra lại hằn học, khích bác nhau. Thậm chí, họ mượn cớ dạy thành ngữ tiếng Anh để truyền tải những thông điệp không hay.
"Một điều nữa mình nhận thấy là các TikToker chủ yếu tạo kênh để khoe kiến thức chứ không phải chia sẻ. Họ thường cố dùng những từ lạ, ít phổ biến để ghép vào câu, nhưng thực ra những từ họ dùng rất khó để áp dụng trong cuộc sống thường ngày", Uyên nói với Zing.
Trong khi đó, Linh Chi, cựu sinh viên ngành Marketing, cho rằng những video đấu tố nhau trên TikTok cũng là một kiểu truyền thông bẩn. TikToker càng đấu đá nhau, người xem càng tò mò theo dõi và vô tình tạo ra lợi ích cho các nhà sáng tạo nội dung.
Là người theo dõi các vụ đấu tố từ những diễn biến đầu tiên, Linh Chi cảm thấy mọi việc đang đi quá xa, bản thân cô cũng thấy tiêu cực theo vì trọng tâm của những trận cãi vã không phải giúp nâng cao chất lượng dạy học mà chỉ để hạ bệ đối phương.
Cô T.M.T., giảng viên đại học tại TP.HCM, cũng nhận thấy những nội dung dạy tiếng Anh trên TikTok đang có dấu hiệu biến tướng theo chiều hướng xấu. Thay vì làm video truyền tải kiến thức, những TikToker này lại chọn làm nội dung đá xéo, thậm chí bóc phốt trực tiếp. Cô lo ngại những nội dung như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ của người xem, nhất là người xem nhỏ tuổi.
Theo quan điểm của cô T., những nhà sáng tạo nội dung tiếng Anh trên TikTok chưa thể được xem là thầy giáo, cô giáo. Dạy học phải có lộ trình, giáo án cụ thể, vài ba video ngắn chỉ vài phút trên TikTok sẽ không đủ để được gọi là dạy học. Giáo viên tiếng Anh uy tín có thể dùng TikTok quảng bá lớp học, mở rộng tệp khách hàng cho trung tâm của mình, nhưng nói mở lớp dạy học trên TikTok lại không được, rất khó chấp nhận.
Cả cô T. và Phương Uyên đều thống nhất một quan điểm là những video kiến thức tiếng Anh trên TikTok có thể xem cho vui, coi như một nguồn tham khảo, nhưng vẫn cần tham khảo có chọn lọc và người dùng cũng cần biết kiểm tra chéo thông tin để đảm bảo thông tin TikToker đưa ra là chính xác.
Nếu TikToker đưa ra kiến thức, thông tin sai, người xem có thể nhắc nhở, góp ý nhẹ nhàng. Nhưng nếu TikToker không tiếp thu, thậm chí đáp trả bằng giọng điệu thách thức, người dùng cũng cần cân nhắc liệu có nên tiếp tục theo dõi nhà sáng tạo nội dung đó hay không.
"Theo tôi, với những TikToker có lượt theo dõi lớn, chúng ta vẫn cần có thái độ kiên quyết để nhắc nhở họ cẩn trọng hơn khi làm nội dung vì lượng người theo dõi càng lớn, trách nhiệm với lời nói, nội dung mình làm ra sẽ càng cao", cô T.M.T. nhấn mạnh.