Khi con trẻ là 'nạn nhân' của người lớn: 'Chiêu' cũ tái diễn

04/12/2023, 14:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều trẻ trở thành nạn nhân khi bị ngăn đến trường để tạo áp lực lên chính quyền địa phương về một chủ trương liên quan đến đời sống KTXH...

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc trong một giờ học. Ảnh: PV
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc trong một giờ học. Ảnh: PV

Dạy bù, học đuổi

Trong số 54 em bị ngăn cản đến trường tại Hòa Bắc, đa phần là học sinh khối lớp 1, lớp 4 và 5. Trong thời gian học sinh ở nhà, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hòa Bắc đã hướng dẫn giáo viên gửi bài vào nhóm Zalo lớp để phụ huynh chưa đưa con đến trường có thể xem, hỗ trợ con tự học. Đây cũng là cách nhà trường giữ mối liên lạc với gia đình.

Sau 3 tuần tích cực vận động, đối thoại, những nỗ lực của ngành Giáo dục và chính quyền huyện Hòa Vang đã có kết quả, học sinh điểm trường thôn Nam Yên được đi học trở lại.

Tuần cuối tháng 9 và suốt tháng 10, Trường Tiểu học Hòa Bắc đã lên lịch vào ngày cuối tuần để bù đắp kiến thức cho học sinh đi học muộn hơn các bạn. Cô Dương Thị Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2 kể: “Từng thầy, cô sẽ hỗ trợ các em bắt kịp kiến thức. Trong đó, vừa đảm bảo cho học sinh không bị áp lực nhưng vẫn nắm vững kiến thức trọng tâm”.

Còn theo cô Nguyễn Thị Như Ngọc - Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4, giáo viên trong tổ phân chia nhau dạy bù vào các ngày cuối tuần chứ không chỉ giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh nghỉ học đảm nhiệm.

Trong khi đó, các trường học ở xã Hải Hà giao cho giáo viên chủ động, linh hoạt việc bù lấp kiến thức cho số học sinh vắng học vì áp lực từ phụ huynh. Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn cho biết: “Qua nắm số lượng học sinh các trường tiểu học, THCS Hải Hà thì không em nào nghỉ học suốt một tuần. Em vắng nhiều nhất chỉ 2 - 3 buổi. Số học sinh vắng học không tập trung vào một lớp nào mà nằm rải rác các khối lớp. Vì vậy, rất khó để tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh bởi thời khóa biểu của THCS khác nhau giữa các lớp”.

Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn xã Hải Hà đã giao cho giáo viên chủ nhiệm và bộ môn chủ động, linh hoạt trong việc bổ sung kiến thức cho học sinh. “Thầy cô căn cứ vào khả năng tiếp thu của từng học sinh cũng như số buổi học các em vắng để hướng dẫn nhiệm vụ học tập cho phù hợp. Ưu tiên không để em nào bị hụt kiến thức, không theo kịp bài học mới”, bà Vân thông tin.

Anh Đ.X.V - phụ huynh Trường Tiểu học Hòa Bắc cho biết, thời điểm nhà trường tổ chức dạy bù, thứ Bảy, Chủ nhật nào anh cũng đưa đón con mất 4 vòng. “Chuyện qua rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Nhưng mình phải thu xếp thời gian, công việc để việc học của con không bị ảnh hưởng”, anh V chia sẻ.

So với một số bạn, em N.N.K.V - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hòa Bắc chỉ nghỉ học 1 tuần. V kể: “Trong thời gian nghỉ học, em tự soạn sách vở ra học bài nhưng ‘cái thì hiểu, cái không’, bài nào không làm được em đành bỏ trống. Khi được ba mẹ cho đi học trở lại, em rất vui nhưng có chút bỡ ngỡ vì chưa kịp làm quen với trường mới. Trong khi các bạn đã thông thuộc hết rồi”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khi-con-tre-la-nan-nhan-cua-nguoi-lon-chieu-cu-tai-dien-post663371.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khi-con-tre-la-nan-nhan-cua-nguoi-lon-chieu-cu-tai-dien-post663371.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi con trẻ là 'nạn nhân' của người lớn: 'Chiêu' cũ tái diễn