Không bị động khi lựa chọn môn học theo Chương trình mới

Thảo Đan | 11/08/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với việc Lịch sử thành môn bắt buộc, quy định về lựa chọn môn học của học sinh (HS) cũng thay đổi. Không bị động trước tình huống này, các nhà trường đều cơ bản có sự chuẩn bị để cả học sinh và nhà trường đều sẵn sàng trước khi năm học mới bắt đầu.

Không bị động khi lựa chọn môn học theo Chương trình mới ảnh 1

Ảnh minh họa Internet.

Trước hết do nắm thông tin sớm và chủ động trong triển khai để có thể đáp ứng ngay khi Thông tư 13 của Bộ ban hành. Cùng với đó, theo quy định mới, HS được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học (Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), không còn phụ thuộc vào nhóm môn như trước. Đây là lợi thế của HS khi chọn môn để học và các trường THPT cũng dễ phân chia tổ hợp môn.

“Thông tư 13 được nhà trường cập nhật trên trang thông tin điện tử, thầy cô cũng bằng nhiều cách chia sẻ thông tin. Với sự phát triển của công nghệ thông tin nên HS lớp 10 và phụ huynh đã nhanh chóng nắm bắt được thay đổi. Trong đợt HS đến nộp hồ sơ nhập học (cuối tháng 7), nhà trường tranh thủ làm công tác truyền thông, qua lực học để gợi ý, định hướng HS chọn được tổ hợp phù hợp nhất.

Ngày 10/8, toàn bộ HS đến nhận trường, nhận lớp, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai tới các em một lần nữa. Hiện hầu như HS của trường đã hoàn thành việc lựa chọn môn học, nhưng chắc chắn sẽ có em còn có thay đổi. Xin lưu ý, các em nên chốt lựa chọn của mình trong tháng 8, khi bắt đầu năm học rồi không nên có sự xáo trộn nữa vì ảnh hưởng tới việc xếp lớp, tổ chức dạy học” - cô Hoàng Thị Hạnh lưu ý.

Việc lựa chọn môn học sau khi có Thông tư 13, môn Lịch sử trở thành bắt buộc, theo thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài nằm trong dự tính của nhà trường. Trường Phú Bài đã nhanh chóng thông báo tới HS, cha mẹ HS nội dung Thông tư 13, trong đó lưu ý về sự thay đổi gồm môn học bắt buộc và các môn tự chọn.

Đồng thời, định hướng, gợi mở cho HS một số nhóm môn phù hợp với tình hình, đặc điểm của nhà trường (cơ sở vật chất, GV bộ môn), nhưng vẫn bảo đảm phát triển năng lực toàn diện của HS và định hướng nghề nghiệp sau này. Hiện, trường cũng chủ động rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để trang bị kịp thời, đáp ứng việc dạy - học trong năm học mới.

Với Trường THPT Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), nhà trường gặp khó khăn nhất định trước những thay đổi khi Thông tư 13 được ban hành liên quan đến công tác phân công chuyên môn và phương án thi tốt nghiệp cho Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ của thầy Trần Huy, Hiệu trưởng nhà trường, trước mắt, trường chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ hợp sao cho vừa đáp ứng nguyện vọng tuyển sinh ĐH của HS, vừa bảo đảm mặt bằng lao động tại đơn vị. Sau khi dự Hội nghị hướng dẫn xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập với lớp 10 năm học 2022 – 2023 của sở GD&ĐT vào 9/8, trường sẽ triển khai họp với cha mẹ HS, tổ chức cho HS đăng ký theo nguyện vọng, rồi tiến hành phân lớp.

Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT - cho biết: Địa phương đã triển khai Thông tư 13 tới các nhà trường, yêu cầu đơn vị thông báo tới HS, cha mẹ HS lớp 10 năm học 2022 - 2023 để kịp thời đăng ký nguyện vọng học tập. Nhà trường căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để xây dựng nhóm tổ hợp môn phù hợp với đăng ký nguyện vọng của HS. Sau khi tổng hợp kết quả, sở GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị các hiệu trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất triển khai thực hiện cho năm học 2022 - 2023.

“Từ tháng 2/2022, Bắc Ninh tổ chức thăm dò ý kiến, nguyện vọng học các môn lựa chọn lớp 10 (với HS lớp 9 năm học 2021 - 2022) nên trường THPT đã có điều kiện rà soát đội ngũ. Điểm khó lớn nhất là đa số các trường chưa có môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Sở GD&ĐT đã tổ chức rà soát đội ngũ GV môn học này; trước mắt phương án là hợp đồng GV bộ môn Nghệ thuật với các trường có lớp học có lựa chọn môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật; sau đó, xin chủ trương bổ sung biên chế. Để hỗ trợ tốt cho môn học, sở GD&ĐT xây dựng đội ngũ cốt cán phần lớn là GV Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, tổ chức hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho môn Âm nhạc, Mỹ thuật THPT” - ông Nguyễn Minh Nhiên chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-bi-dong-khi-lua-chon-mon-hoc-theo-chuong-trinh-moi-post603858.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-bi-dong-khi-lua-chon-mon-hoc-theo-chuong-trinh-moi-post603858.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không bị động khi lựa chọn môn học theo Chương trình mới