Không để bị động khi triển khai chương trình Lịch sử THPT

Hiếu Nguyễn | 20/07/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện các trường THPT đã và đang chủ động dự thảo phương án tổ chức thực hiện chương trình môn Lịch sử để có thể bắt nhịp nhanh chóng khi cơ quan quản lý ban hành hướng dẫn chính thức.

Chủ động bắt nhịp

Với những thay đổi về chương trình môn Lịch sử THPT, Trường THPT Mường Chiềng triển khai một số nội dung thực hiện trước định hướng điều chỉnh môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, Trường THPT Mường Chiềng đã cập nhật, nghiên cứu và triển khai văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên môn Lịch sử) tổ chức họp, trao đổi, thảo luận,... để điều chỉnh phương án tổ chức dạy học (đã được xây dựng và triển khai) đối với học sinh lớp 10 cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhà trường cũng kịp thời tuyên truyền, triển khai đầy đủ tới học sinh lớp 10 và phụ huynh học sinh về việc thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của nhà trường. Cùng với đó, phân công, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn Lịch sử tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ, Sở GD&ĐT, để thầy cô nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh; giúp nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học đạt hiệu quả cao nhất. Quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa,... bảo đảm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và bộ môn Lịch sử nói riêng.

“Hiện, Trường THPT Mỹ Quý cũng đã bố trí lực lượng giáo viên môn Lịch sử để tham gia nghiên cứu Chương trình, sách giáo khoa UBND tỉnh đã chọn và chuẩn bị tham gia tập huấn giảng dạy theo kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử trong thời gian tới.” - thầy Trần Văn Hân chia sẻ.

Trong khi chờ đợi hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trường Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) thông tin, nhà trường đã dự kiến bố trí lại các phương án lựa chọn đối với các tổ hợp 5 môn học lựa chọn phù hợp với định hướng điều chỉnh môn Lịch sử và với đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Đồng thời, triển khai để cán bộ, giáo viên, nhân viên biết được kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT và dự kiến của thay đổi của nhà trường để nắm trước tinh thần và tạo sự đồng thuận khi thực hiện. Thông qua các kênh truyền thông đến phụ huynh học sinh, học sinh biết những nội dung trên để có tâm thế chuẩn bị tốt nhất.

Không để bị động khi triển khai chương trình Lịch sử THPT ảnh 1

Ảnh minh họa/ITN

Mong sớm có hướng dẫn

Cô Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép, Thái Nguyên cho biết: Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Thực hiện Nghị quyết 63, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 1857/QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2022 thành lập Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT ngày 11/7/2022 về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Trên cương vị là một giáo viên, một nhà quản lí giáo dục, cô Ngô Thị Quyên bày tỏ hoàn toàn đồng tình và ủng hộ Nghị quyết 63 của Quốc hội và những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT thông qua Quyết định 1857 và Kế hoạch 770. Đây có thể coi là một quyết định hợp lý, thể hiện tính dân chủ.

Mặc dù vậy, trong quá trình sắp xếp lại, cô Ngô Thị Quyên cho rằng sẽ gặp một số khó khăn. Đơn cử, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở tất cả các tổ hợp thì phải giảm môn Địa lí, Giáo dục Kinh tế pháp luật khi xây dựng tổ hợp, ảnh hưởng số giờ và cơ cấu giáo viên… Bên cạnh đó, xây dựng lại kế hoạch năm học, sắp xếp lại các môn học bắt buộc và lựa chọn để phù hợp với số giáo viên hiện có trong khoảng thời gian ngắn khi bước vào năm học mới.

Để thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Trường THPT Gang Thép đã khẩn trương tổ chức họp và lấy ý kiến của Hội đồng trường về phương án tổ chức thực hiện chương trình môn Lịch sử. Trong đó, trên cơ sở phân ban (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) đối với học sinh lớp 10, năm học 2022-2023, nhà trường ban hành dự thảo về việc thực hiện chương trình môn Lịch sử.

Cụ thể, học sinh ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đều được học số lượng 52 tiết/1 tuần. Riêng học sinh ban Khoa học xã hội, học sinh lựa chọn học tập chuyên đề nâng cao theo định hướng nghề nghiệp (35 tiết/1 tuần).

“Tuy nhiên, để thực hiện tốt, nhà trường rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy học môn Lịch sử bắt buộc để các trường lên kế hoạch cụ thể, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.” - cô Ngô Thị Quyên nêu đề nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để bị động khi triển khai chương trình Lịch sử THPT