"Không khoan nhượng" cũng là thái độ mà Hàn Quốc hướng đến trong việc kiểm soát bạo lực học đường. Từ năm 2010, nước này đã thành lập các uỷ ban chống bạo lực học đường với thành viên là phụ huynh học sinh, giáo viên, chuyên gia pháp luật.
Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo những kẻ bắt nạt học đường sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật trong quá trình xét tuyển đại học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này nhằm nâng cao khả năng chống bắt nạt trong trường học.
Bạo lực học đường là vấn nạn nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trước thềm năm học 2022 - 2023, 1,7% học sinh cho biết là nạn nhân của bạo lực học đường, tăng 0,6% so với năm 2021. Các dạng bạo lực phổ biến lần lượt là lạm dụng bằng lời nói, bạo lực thân thể, tẩy chay, bắt nạt trên Internet...
Nếu không tách kẻ bắt nạt ra khỏi nạn nhân, nạn nhân sẽ tiếp tục chịu giày vò. Ảnh: INT. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bà Kim Hyoung-tae, thành viên Uỷ ban Giáo dục, Hội đồng thành phố Seoul, phân tích, giáo viên Hàn Quốc ngày càng e ngại trước vấn đề bạo lực học đường.
Từ năm 2008 đến năm 2012, do cắt giảm ngân sách, trường học Hàn Quốc đã tăng tuyển dụng giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Nhiều giáo viên hợp đồng chưa chú trọng hoặc có ít kinh nghiệm trong việc quản lý và kỷ luật học sinh bắt nạt.
“Học sinh bị bạo lực học đường rất cần sự chia sẻ, hướng dẫn của giáo viên. Nhưng làm sao chúng ta có thể mong đợi những giáo viên hợp đồng dưới một năm có thể làm tốt công việc khó khăn này”, bà Hyoung-tae bày tỏ.
Ông Park Keun-byeong, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên trường học Seoul, cho biết, khi một sự việc bạo lực học đường xảy ra, các trường giải quyết chưa đủ nhanh. Ví dụ, họ không tách kẻ bắt nạn và nạn nhân ra khỏi không gian chung là lớp học, khiến nạn nhân phải chịu thêm giày vò.
Còn tại Nhật Bản, GS Mieko Nakabayashi, làm việc tại Trường Nghiên cứu Xã hội, Đại học Waseda, Nhật Bản, nhận định một trong những nguyên nhân gây bạo lực học đường tại Nhật Bản là sự khác biệt.
“Nếu bạn có tài năng, xinh đẹp hay đơn giản là có hành động khác với bạn bè trong lớp, bạn có thể trở thành mục tiêu bị để ý. Việc tẩy chay và sau đó là bạo lực học đường cũng xuất phát từ đây”, GS Mieko cho biết.
Bên cạnh đó, kỹ năng xử lý bắt nạt học đường của giáo viên, nhà trường chưa cao. Công tác tư vấn tâm lý học đường còn yếu...
Những hạn chế của Hàn Quốc hay Nhật Bản trong công tác ngăn chặn bạo lực học đường cũng là khó khăn của nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt sau dịch Covid-19, bạo lực học đường ngày càng gia tăng và phổ biến ở dạng thức bạo lực qua Internet. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để kiểm soát bạo lực học đường và cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân của bạo lực học đường.