Không làm khó… thầy cô

05/08/2023, 15:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có giải đáp một số vấn đề liên quan đến chức danh nghề nghiệp của giáo viên...

Theo đó, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Cần lưu ý thêm, Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã quy định “không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”.

Thời gian giữ hạng là bao lâu

Vấn đề “nóng” được nhiều giáo viên bàn luận trên các diễn đàn những ngày qua là việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.

Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).

Trong đó, Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.

Với việc xác định thời gian tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III mới khi xét tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II: Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, quy định thời gian giữ hạng IV cũ và III cũ được xác định tương đương với thời gian giữ hạng III mới từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của cấp học. Như vậy, khi giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học (là trình độ đại học), thì thời gian giữ các hạng cũ trước đây (bao gồm cả các thời gian tương đương khác) được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III mới.

Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những nhà giáo thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-lam-kho-thay-co-post649482.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-lam-kho-thay-co-post649482.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không làm khó… thầy cô