Tại Hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2023, ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh - trăn trở, dư luận vẫn còn tư tưởng người học giỏi mới học đại học, còn học dốt thì chọn trường nghề. Thực tế, nhiều học sinh học giỏi nhưng vẫn đi học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề. “Học sinh có khả năng học đại học thì chọn đại học, còn em nào muốn rèn luyện, phát triển tay nghề thì hãy chọn cao đẳng” – ông Lưu khuyến nghị.
Theo ông Lưu, cần tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách khoa học. Qua đó, có thể phân luồng xu thế năng lực, tố chất, năng khiếu của các em khi học THCS, THPT; tránh tình trạng học sinh chọn nhầm môi trường học tập hoặc chọn nhầm nghề, dẫn đến học xong không được thị trường lao động đón nhận. “Chúng ta có thể “bắt tay” với Bộ GD&ĐT để cùng truyền thông về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Qua đó, giúp phụ huynh, học sinh nhận thức đúng đắn, phù hợp về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” – ông Lưu nhấn mạnh.
ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội – tư vấn: Các em có thể học cao đẳng, học nghề hoặc có thể tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội xét tuyển của năm sau… Quan trọng là, các em cần xác định rõ tư tưởng, mong muốn của mình và không nên nản chí. Các có thể bàn với gia đình và xin ý kiến của bố mẹ để có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với bản thân và điều kiện của gia đình.
Cũng tại hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Ngọc Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) - thông tin: Mỗi năm, Vụ tổ chức 4 - 5 chương trình, cuộc thi được đầu tư công phu. Chẳng hạn như: Tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu. Hay cuộc thi, dự án khởi nghiệp được tổ chức hằng năm. Đằng sau những tấm gương học sinh, sinh viên, sản phẩm khởi nghiệp là những câu chuyện hay, là chất liệu tốt để truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay, nhiều trường cao đẳng, trường nghề đến các địa bàn, trường THPT để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Đây là cách truyền thông hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu thầy, cô giáo trong trường hướng nghiệp cho học sinh của mình. “Chúng tôi dự định phối hợp với Trung ương Đoàn để đào tạo cho cán bộ Đoàn trong các nhà trường phổ thông. Họ sẽ là cánh tay nối dài về truyền thông, hướng nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo để họ trở thành các chuyên gia hướng nghiệp” – ông Thắng trao đổi.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái - đề nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu chính sách hỗ trợ cơ chế trong việc truyền thông theo từng giai đoạn. Đồng thời, có chương trình truyền thông cho từng vùng và khu vực khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn.
Theo TS Đồng Văn Ngọc, hiện chỉ tồn tại hệ cao đẳng, không có hệ cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn có tên là cao đẳng nghề. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý của phụ huynh và học sinh.