Không phải là cái chợ!

21/10/2023, 23:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây nhiều trường học tại TPHCM thông báo tạm ngưng cho học sinh đi xem phim “Đất rừng phương Nam” như một hoạt động ngoại khóa liên môn.

Quyết định này diễn ra sau khi các trường tổ chức đặt vé cho học sinh với số lượng lớn gặp phản ứng trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, cách triển khai rầm rộ đưa học sinh đi xem một bộ phim mới trình làng có dấu hiệu tiếp tay cho quảng cáo, tiếp thị vào học đường.

Hiện còn quá sớm để kết luận các trường có tiếp tay quảng cáo, tiếp thị hay không trong sự việc trên nhưng không thể phủ nhận một thực tế có thật từ lâu, nhà trường luôn nằm trong tầm ngắm chiến lược của nhiều chương trình quảng cáo, tiếp thị từ doanh nghiệp. Học sinh, giáo viên với số lượng đông là khách hàng tiềm năng của các dịch vụ, nhãn hàng, từ học hành, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, công nghệ tới giải trí. Vì thế, doanh nghiệp quyết tâm tìm cách tiếp cận.

Theo quy định, trường học không phải điểm thực hiện hoạt động khuyến mại nhưng trên thực tế từng xảy ra nhiều cảnh tiếp thị quảng cáo công khai, gây bức xúc. Truyền thông từng đưa tin tại một trường học ở Rạch Giá (Kiên Giang), công ty vào trường nói khám da liễu miễn phí nhưng thực chất tư vấn, quảng cáo và tiếp thị sản phẩm trị mụn, chăm sóc da đến học sinh. Thời gian thực hiện diễn ra trong giờ học.

Hay đợt khác, tại một số trường tiểu học, THCS ở TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), nhiều giáo viên bức xúc vì trong giờ họp hội đồng, một số người vào tiếp thị sản phẩm gia dụng, thậm chí cả nồi, niêu, chảo. Hoặc tại một trường ở huyện Chưpar (tỉnh Gia Lai), nhân lúc ban giám hiệu đi vắng, giáo viên cho nhân viên tiếp thị sách đến giới thiệu, mời chào bán hàng…

Gần đây, để né dư luận, không nhiều công ty lộ trực diện chuyện bán hàng, giới thiệu sản phẩm như các trường hợp báo chí phản ánh ở trên. Khôn ngoan hơn, doanh nghiệp lồng ghép quảng cáo, tiếp thị đằng sau hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm mà nhà trường đang cần đẩy mạnh như giáo dục dinh dưỡng, hướng nghiệp; kỹ năng sống…

Để học sinh có buổi tiếp nhận tri thức, kỹ năng hay vui chơi miễn phí, nhà trường được lợi thêm chiếc ghế đá, máy lọc nước, cột bóng rổ, hay có thêm “quan hệ”…, không ít hiệu trưởng mắt nhắm mắt mở cho quảng cáo trá hình trong chương trình. Kết quả, không ít doanh nghiệp khi vào trường rồi thực hiện quá lố, gây phản cảm.

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc nhà trường tranh thủ nguồn tài chính, tài trợ từ bên ngoài rất cần thiết để nâng chất hoạt động ngoại khóa, trang bị cơ sở vật chất. Tuy vậy, nhìn ở góc độ văn hóa học đường, không nên để quảng cáo, tiếp thị xâm nhập qua chương trình núp bóng, theo kiểu “ông đưa cây giò, bà thò chai rượu”, bởi nhà trường không phải cái chợ. Ấy là chưa kể việc để quá nhiều chương trình của doanh nghiệp vào học đường còn ảnh hưởng đến giờ học, làm việc của thầy và trò.

Thời gian qua, ngành Giáo dục nhiều tỉnh thành đặc biệt lưu ý cơ sở giáo dục không cho phép các công ty, doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hoạt động mang tính thương mại, không ý nghĩa giáo dục trong nhà trường. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn có muôn vạn kiểu lách và nhà trường, hiệu trưởng đôi khi không bỏ qua nguồn lợi, bởi thực tế liên quan quảng cáo trá hình hiện không mấy nơi có chương trình kiểm tra giám sát, không mấy ai có trách nhiệm bị xử lý.

Để ngăn chặn quảng cáo, tiếp thị làm rộn học đường, bảo đảm tính tôn nghiêm của nhà trường, rất cần những quy định, chế tài cụ thể hơn về hoạt động quảng cáo, tiếp thị trong trường học, đặc biệt các chương trình, hoạt động có phối hợp với doanh nghiệp.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không phải là cái chợ!