“Chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh về mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023 – 2024 theo hướng ổn định như năm học 2022 – 2023. Dự kiến trong quý III năm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sẽ ban hành Nghị quyết về mức học phí. Trong thời gian chưa ban hành Nghị quyết, chúng tôi yêu cầu các cơ sở giáo dục chưa tổ chức thu học phí đối với học sinh”, ông Thái nhấn mạnh.
Chủ trương không tăng học phí của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến một số địa phương bởi nhiều nơi đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho rằng, việc chưa tăng học phí trong năm học 2023 – 2024 là phù hợp với thực tiễn khách quan. Qua đó, sẽ đồng hành, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Khẳng định, chủ trương trên hợp lòng dân, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhìn nhận, tuy kinh tế của các địa phương đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng đời sống và thu nhập của đại bộ phận nhân dân vẫn chưa đạt trạng thái như thời điểm trước dịch. Do đó, việc không tăng học phí cho khoảng 23 triệu học sinh để giảm gánh nặng chi tiêu cho quần chúng nhân dân là việc làm nhân văn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho hay, tỉnh đã nắm được thông tin Bộ GD&ĐT trình Chính phủ chủ trương không tăng học phí ở năm học 2023 - 2024 như tinh thần Nghị quyết 165/NQ-CP. Do đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh không thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trong kỳ họp Hội đồng nhân dân vào tháng 6/2023 (kỳ giữa năm), mà dời sang kỳ họp bất thường sắp tới. Nhờ vậy, quá trình xây dựng của tỉnh Vĩnh Long không bị lệch hướng so với chủ trương tại Thông báo số 300/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Khi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không tăng học phí là đúng, PGS.TS Lê Khánh Tuấn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm. Tuy nhiên, để bù trừ thì ngân sách Nhà nước cần tăng hỗ trợ cho hoạt động liên quan. Học phí nên đặt mức thu theo mức sống người dân, phần thiếu ngân sách Nhà nước bù đắp bằng chính sách xã hội.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam phân tích, khi tăng học phí, phải phân tích, tìm hiểu đồng thời những điều kiện có liên quan như: Đời sống người dân nói chung, những người trong độ tuổi đang có con theo học tại các trường phổ thông nói riêng. Kinh tế nước nhà đang hồi phục sau đại dịch, bất động sản trong chu kỳ đi xuống, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, thiên tai vẫn diễn biến bất ngờ; người dân, phụ huynh chưa thể dư tiền để sẵn sàng đóng học phí theo mức tăng lên.
Bên cạnh đó, sử dụng học phí như thế nào cho hiệu quả chưa được khảo sát, hội thảo; mức học phí tăng bao nhiêu % cho đủ cũng là vấn đề cần đặt ra nghiên cứu thực tiễn một cách nghiêm túc; rồi các khoản đóng góp từ xã hội hóa được sử dụng thế nào?
“Tăng học phí phải đảm bảo an ninh, an sinh xã hội, là tăng nguồn lực cho phát triển nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục thời kỳ đổi mới. Một khi chưa đảm được những yêu cầu này, ta nên chậm lại thêm thời gian để có quyết sách đúng đắn”, ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
“Với vai trò là cử tri, nhà giáo, tôi đồng tình và ủng hộ chủ trương này của Chính phủ. Hy vọng Chính phủ sẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên theo thủ tục rút gọn để sớm ban hành cho các địa phương triển khai thực hiện”, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nêu ý kiến.