Diễn biến thị trường nhà đất huyện Long Thành (Đồng Nai) cũng diễn ra tương tự. Các giao dịch đất nền thứ cấp hạn chế, giá có dấu hiệu sụt giảm trên dưới 20%. Ở một số dự án quy mô lớn, giá thứ cấp đất nền giảm từ 10-15% so với thời điểm đầu năm 2022. Nhiều nhà đầu tư khó ra hàng do vừa vướng sản phẩm của chủ đầu tư, vừa thấp hơn giá mua vào.
Các khu vực Long Hưng, Bình An, Lộc An, Tân Hiệp, Phước Bình đang có mức độ giảm giá nhiều nhất tại huyện Long Thành. Các sản phẩm đất nền đa số là nguồn hàng cũ chào bán trước đây, không có sản phẩm mới ra thị trường. Hiện hoạt động mua bán đất nền tại các khu vực này cũng ít hẳn so với giai đoạn trước. Theo một số môi giới, các giao dịch xuất hiện ở giai đoạn này chủ yếu là hàng ngộp, giảm giá sâu. Những nền đất gửi bán ngang giá hoặc giảm nhẹ khó ra hàng.
Tìm hiểu được biết, hiện thị trường nhà đất Nhơn Trạch và Long Thành hiện chưa có tác động nào khiến giá bất động sản hồi lại như thời điểm đầu năm 2022. Các đòn bẩy như sân bay Long Thành hay cầu Cát Lái đã nhiều lần trở thành chất xúc tác khiến sóng đầu tư đổ về các khu vực này. Các thông tin này gần như đã cũ, chưa có diễn biến mới. Hiện nay do tâm lý thị trường chung đã khiến thị trường nhà đất các khu vực này trầm lắng rõ nét. Với nguồn hàng mua vào thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhà đầu tư chưa xác định được thời điểm ra.
Nhà đất Củ Chi, Hóc Môn xuống giá mạnh nhất trong 8 năm nay
Kể từ năm 2015 đến nay, đây là giai đoạn giá đất nền, nhà phố tại huyện Hóc Môn, Củ Chi giảm mạnh nhất. Các lô đất chào bán ở giai đoạn này giảm phổ biến từ 20-30% nhưng rất hạn chế giao dịch.
Tại huyện Củ Chi giá đất nền, nhà riêng rao bán giảm từ 200-400 triệu đồng/sản phẩm. Các dự án đất nền tại xã Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Trung Lập.. ghi nhận mức giảm sâu nhất. Đây cũng là các khu vực có nguồn hàng thứ cấp rao bán ra nhiều ở giai đoạn này. Tuy vậy, cũng như các khu vực khác, hiện giao dịch nhà đất tại Củ Chi khá chậm. Các mảnh đất nông nghiệp diện tích lớn từ 500-10.000m2 rao bán giá từ 4-6 tỉ đồng/mảnh, giảm 300-400 triệu đồng/sản phẩm nhưng không phát sinh giao dịch.
Mới đây, mảnh đất trồng cây lâu năm 1.000m2 tại xã Trung An, huyện Củ Chi rao bán 8 tỉ đồng. Giá này đã giảm 800 triệu đồng so với giá thị trường khu vực nhưng dù gửi nhiều môi giới rao bán vẫn chưa có khách hỏi mua. Nếu cách đây một năm, với mức giá giảm như vậy sẽ bán khá nhanh. Hiện, các hoạt động đầu tư tại khu vực trầm lắng, nhà đầu tư ở trạng thái chờ đợi thông tin thị trường thay vì mua vào. Riêng các nền đất thổ cư có giá giảm sâu hẳn so với thị trường vẫn có giao dịch.
Diễn biến tại thị trường nhà đất Hóc Môn, Bình Chánh cũng tương tự. Khu vực Bà Điểm, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn); Phong Phú, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) là các khu vực đang ghi nhận nguồn hàng rao đất nền và nhà riêng lẻ khá nhiều. Mức giảm giá phổ biến từ 15-30% so với cùng kì năm trước. Đáng nói, có một số sản phẩm giảm đến 40% nhưng vẫn không có giao dịch. Đây cũng là mức giá giảm mạnh nhất kể từ thời điểm năm 2015 đến nay tại khu vực này.
Có thể thấy, sau thời gian siết tín dụng, thị trường nhà đất Tp.HCM và các khu vực lân cận rơi vào trầm lắng rõ nét. Hiện nay dù đã có những thông tin tích cực về lãi suất, room tín dụng nhưng gần như tâm lý chưa hồi phục. Nhà đầu tư có tiền đi săn đất ngộp vẫn giữ tâm lý chờ giảm thêm hoặc chỉ xuống tiền với các bất động sản giảm giá sâu, vị trí đẹp. So với phân khúc căn hộ - đã có dấu hiệu hồi phục sức mua thì đất nền, nhà riêng lẻ tại khu ven Tp.HCM vẫn khá im ắng giao dịch. Sức cầu được dự báo khó đột biến trong ngắn hạn.