Muốn kiểm định Việt Nam tiệm cận thế giới cần có lộ trình cải tiến liên tục. Tôi đưa ra một so sánh nhỏ, nếu các chương trình đào tạo Việt Nam muốn đạt kiểm định Hoa Kỳ phải sẵn sàng ở tâm thế đạt 100% các tiêu chuẩn ở mức 7 của Bộ tiêu chuẩn Việt Nam.
Ảnh minh họa: ITN |
- Trong triển khai thực hiện, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò các bên liên quan từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các trung tâm kiểm định và cơ sở đào tạo, tới công tác kiểm định chất lượng giáo dục?
- Để hoạt động kiểm định chất lượng hiệu quả hơn, sự tham gia các bên liên quan đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, các hoạt động kiểm định Việt Nam phải “soi chiếu” nhiều quy định, chính sách, văn bản pháp luật liên quan.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn bộ tiêu chuẩn kiểm định theo tiếp cận đầu ra thì các chính sách văn bản ban hành của Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp cận đầu ra. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, quy định về chính sách mở ngành, đánh giá giám sát các chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục đã tiệm cận với đầu ra. Từ đó, bộ tiêu chuẩn kiểm định đã tích hợp các yêu cầu này vào tiêu chí về hệ thống bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo theo tiếp cận cải tiến chất lượng cấp hệ thống. Từ ví dụ đó cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chủ quản trong quá trình ban hành các chính sách liên quan mật thiết đến quản lý chất lượng.
Cục Quản lý chất lượng nên là đơn vị đầu mối tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên về bảo đảm chất lượng và kiểm định hằng năm. Qua đó, các cơ sở giáo dục chia sẻ kinh nghiệm triển khai để đạt được các tiêu chí; các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu về các thực hành tốt, để cơ sở giáo dục và đội ngũ bảo đảm chất lượng tiếp cận thông tin mới nhất.
Trong quá trình thực hiện tại cơ sở giáo dục, sự phối hợp giữa nhà lãnh đạo, phòng ban về bảo đảm chất lượng, giảng viên và sinh viên đều góp phần tích cực đến quá trình bảo đảm chất lượng bên trong để đạt kiểm định chất lượng bên ngoài. Các cơ sở giáo dục cần có chính sách cũng như phân bổ tài chính cụ thể cho hoạt động bảo đảm chất lượng; có chính sách hỗ trợ tài chính và ghi nhận sự đóng góp của giảng viên tham gia hoạt động bảo đảm chất lượng để quá trình tham gia hiệu quả, thực chất hơn.
Ảnh minh họa: ITN |
- Hiện nay, còn nhiều băn khoăn về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài của cơ sở giáo dục đại học. Cần có giải pháp nào để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đặc biệt là giải pháp về chính sách?
- Từ những chia sẻ trên, tôi nghĩ, để hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong phát huy tác dụng thì các văn bản chính sách cần tiếp cận đầu ra. Để hoạt động kiểm định chất lượng tiệm cận theo quốc tế, cần cải tiến quy trình công nhận, mốc chuẩn để đạt kiểm định và rà soạt lại các minh chứng theo tiếp cận đầu ra.
Một số chính sách Cục Quản lý chất lượng có thể xem xét cải tiến trong thời gian tới:
Thứ nhất: Chính sách quản lý chất lượng các trung tâm kiểm định chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng.
Thứ hai: Chính sách về quy trình kiểm định, gồm quy trình, bộ tiêu chuẩn, mốc chuẩn, minh chứng, chi phí kiểm định, đánh giá giữa chu kỳ…
Thứ ba: Chính sách về kiểm định viên, như: Bổ sung quyền được tham gia đoàn đánh giá ngoài sau khi tập huấn; quy định số lần tham gia kiểm định viên hằng năm; quy hoạch đào tạo kiểm định viên theo yêu cầu chuyên môn sâu để tránh tình trạng vừa thiếu vừa thừa; phân biệt chương trình đào tạo về bảo đảm chất lượng và kiểm định viên…
Thứ tư: Chính sách liên quan đến hỗ trợ công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng bền vững thông qua các chương trình tập huấn thường niên, hội thảo hằng năm về kiểm định chất lượng, nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu sáng kiến phát triển hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng.
- Có ý kiến cho rằng, quá trình kiểm định hiện nay mới chỉ tập trung ở yếu tố đầu vào, ít chú ý đến kết quả đầu ra của quá trình giáo dục. Cụ thể là không tập trung vào chuẩn đầu ra của chương trình người học đạt được. Do đó, không thể đánh giá khách quan chất lượng từng chương trình đào tạo. Đó cũng là lý do khiến người học không thể xác định được chất lượng thực sự của ngành học, chương trình học. Tiến sĩ nghĩ sao về nhận định này?
- Như tôi đã phân tích ở trên, Bộ tiêu chuẩn của Việt Nam rất tiệm cận với khu vực và quốc tế. Điều khác biệt là mức độ để đạt và minh chứng cần cung cấp tập trung hơn vào yêu cầu đầu ra. Nếu Việt Nam cập nhật các chính sách có liên quan đến các mục này thì chất lượng hoạt động kiểm định sẽ nâng cao hơn nữa.
- Nhiều cơ sở giáo dục đại học coi đạt kiểm định là đích đến, trong khi điều quan trọng là việc không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn sau kiểm định. Tiến sĩ nhìn nhận vai trò của cơ sở đào tạo ra sao với việc này?
Tôi cho rằng, cần xem xét đề xuất cải tiến quy trình kiểm định giữa kỳ như đề cập ở trên, để các cơ sở giáo dục có động lực cải tiến và viết báo cáo cải tiến cho các trung tâm kiểm định mới được công nhận kiểm định. Việc thay đổi chính sách chắc chắn có tác động tích cực đến quá trình cải tiến chất lượng liên tục tại các cơ sở giáo dục.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!