Kiểm tra, đánh giá cần ứng xử tinh tế từ người thầy

20/09/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gọi học sinh đứng lên phát biểu là việc bình thường của giáo viên, nhưng khi các em phát biểu chưa đúng lại đòi hỏi cách ứng xử tinh tế, linh hoạt từ người thầy.

Cho trò quyền… trả lời sai

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - nhận định, khi giáo viên gọi học sinh lên bảng hỏi bài cũ, các em trả lời sai là điều chúng ta cần suy nghĩ. Liệu có phải phương pháp dạy học của thầy cô chưa thực sự phù hợp với học trò, hay các em đang gặp khó khăn và cần có thêm sự hỗ trợ của thầy cô hay không?

Hiện nay, dù chúng ta khuyến khích giáo viên dạy bằng cách hỏi chứ không bằng cách kể nhưng câu hỏi phải được đưa ra vừa với năng lực người học. Học trò cần được giúp đỡ để đi đến câu trả lời đúng. Đó mới là giải pháp giúp học sinh suy nghĩ về cách lập luận, khám phá dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Nếu câu hỏi quá khó, các em không thể trả lời được sẽ giống như một hình phạt.

Kiểm tra cũng được xem như cách thúc đẩy việc học. Trẻ sẽ có động lực học tập nhiều hơn nếu được khuyến khích, động viên và hy vọng sẽ có phần thưởng nào đó nếu trả lời được câu hỏi. Còn nếu, lần nào thầy cô hỏi bài và học sinh đều không trả lời sẽ trở nên chán nản, thậm chí chống đối không học.

“Người học nên được giao nhiệm vụ và giáo viên đánh giá vào thời điểm họ sẵn sàng hơn là việc mời lên bất chợt, đánh giá ngẫu nhiên theo cách hỏi của thầy cô. Như vậy sẽ khiến học sinh tự thấy có trách nhiệm học tập, chuẩn bị và tự tin để trình bày. Qua đó, cũng khuyến khích giáo viên có động lực sử dụng thời gian tiếp theo để cải tiến công việc nếu chưa đạt tiêu chuẩn đánh giá”, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng gợi mở, giáo viên có thể đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá để người học tự soi vào đó hơn là đánh giá theo những barem học sinh không biết.

“Chúng ta đang làm cho bài kiểm tra miệng hay bài thi trở thành tình huống đe dọa và nỗi sợ. Sẽ không có hiệu quả khi học trong tâm thế này. Người học cần được động viên bởi mong muốn thành công, khám phá, phát triển và nâng cao trình độ chứ không phải vì nỗi lo sợ thất bại. Nên áp dụng chủ trương “không quy trách nhiệm” đối với sai sót; coi lỗi lầm là tất yếu và là cơ hội để học hỏi…

Giáo viên cũng có thể đưa ra các phản hồi xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm thường gặp để không chỉ học sinh lên bảng mà tất cả trò trong lớp cùng nhận ra lỗi có thể mắc và cách sửa sai. Người dạy cần kiên nhẫn, kiên trì để giúp học trò học theo tốc độ phù hợp; coi sự thất bại là một phần đương nhiên của quá trình học tập; hỗ trợ và khích lệ giúp học sinh vượt qua khó khăn và phát triển các kỹ năng học tập”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, giáo viên cần coi việc học sinh trả lời sai là chuyện bình thường. Thay vì tạo áp lực hoặc cho học sinh điểm kém, có thể ứng xử khôn khéo hơn như cả lớp vỗ tay động viên; cũng có thể gợi ý cho tới khi học sinh đưa ra được câu trả lời đúng. Đồng thời, thầy cô có thể gọi cả em không bao giờ giơ tay phát biểu để giờ học thêm sôi nổi; mọi trò được tham gia vào bài học một cách tự nhiên, hiệu quả nhất.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/kiem-tra-danh-gia-can-ung-xu-tinh-te-tu-nguoi-thay-post654751.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/kiem-tra-danh-gia-can-ung-xu-tinh-te-tu-nguoi-thay-post654751.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm tra, đánh giá cần ứng xử tinh tế từ người thầy