Một sản phẩm học tập môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Hùng Vương, Đắk Lắk. |
Cô Nguyễn Thị Ngân Hà đưa ví dụ về kiểm tra, đánh giá thường xuyên qua thuyết trình khi dạy bài 5: “Khái niệm văn minh: Một số nền văn minh phương Đông thời kì cổ - trung đại Trung Quốc” (Lịch sử 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).
Cụ thể, khi tìm hiểu về mục 3 trang 43 - Văn minh Trung Hoa thời kì cổ trung đại, giáo viên có thể nêu yêu cầu học sinh khai thác tư liệu số 4 trang 46 và chọn một trong bốn đại phát minh kĩ thuật của Trung Quốc - cổ trung đại, soạn một bài thuyết trình về tầm quan trọng của phát minh đó đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại.
Lưu ý,giáo viên giao trước nhiệm vụ cho học sinh. Đến tiết học, học sinh thuyết trình sản phẩm của mình. Khi học sinh thực hiện bài thuyết trình, giáo viên yêu cầu các nhóm theo dõi và đánh giá theo các tiêu chí đã đưa ở trên. Giáo viên căn cứ vào kết quả đó để làm cơ sở kết luận, đánh giá và cho điểm.
Hoặc, khi dạy bài bài 7 “Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại ở Châu Âu” (Lịch sử 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khai thác tư liệu 2 sách giáo khoa trang 65, kết hợp với thuyết trình của học sinh.
Cụ thể, thầy cô giao nhiệm vụ cho các nhóm làm bài thuyết trình về “Ý nghĩa tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai”. Các nhóm có thể thiết kết hợp nội dung thuyết trình với trình chiếu Powerpoint, hoặc làm thành video để trình bày.
Giáo viên cho các nhóm đánh giá lẫn nhau theo tiêu chí; căn cứ vào sản phẩm và kết quả đánh giá giữa các nhóm để đánh giá cho điểm.
Năng lực giáo viên cần kiểm tra, đánh giá đó là năng lực sử dụng ngôn ngữ của học sinh để trình bày vấn đề lịch sử như thế nào.
Để tăng tính hấp dẫn của bài học và hiệu quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức thuyết trình, theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên nên đặt câu hỏi và tạo tình huống có vấn đề, yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề. Với hình thức này, giáo viên vừa kiểm tra được khả năng lĩnh hội kiến thức, vừa phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và vận dụng thực tiễn của học sinh.