Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, trao quyền ra đề kiểm tra định kỳ cho các trường THCS ở các môn học là phù hợp điều kiện dạy và học của từng nhà trường.
Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Tú, đối với một số trường học vùng khó, đội ngũ giáo viên các trường thường ít, vừa thiếu vừa không đồng bộ nên dễ rơi vào trường hợp vừa ra đề vừa phản biện. Thông thường, mỗi môn học chỉ có một giáo viên dạy cho cả 4 khối lớp, từ lớp 6 đến lớp 9. Thậm chí, có những trường, một giáo viên dạy cả 2 môn học thì số lượng đề kiểm tra phải xây dựng quá nhiều. “Ra đề cho có thì dễ nhưng ra đề hay, phân loại và đánh giá được năng lực học sinh, đủ độ nhiễu không đơn giản”, Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My khẳng định.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện chỉ có một giáo viên đào tạo chuyên môn Địa lý được phân công dạy môn Lịch sử - Địa lý cho cả 3 khối lớp 6 - 7 - 8 của Chương trình GDPT 2018. Giáo viên này đồng thời dạy 2 môn Lịch sử, Địa lý ở lớp 9, Chương trình GDPT 2006.
Với môn Khoa học tự nhiên, hiện Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam cũng có 1 giáo viên được đào tạo chuyên môn môn Sinh học. Nhà trường đang tạm phân công nhân viên phụ trách thiết bị đảm nhận việc dạy học phân môn Vật lý. Với phân môn Hóa học, trường sử dụng giáo viên thỉnh giảng của trường THCS trên địa bàn huyện.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam cho biết: “Vì mỗi môn chỉ có 1 giáo viên nên hiệu trưởng phải là chủ tịch hội đồng phản biện đề. Nhưng để đảm bảo đề đúng kiến thức trọng tâm môn học hay không phải có sự hỗ trợ của phó hiệu trưởng nhà trường và tổ trưởng tổ chuyên môn để thẩm định đề”. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu nhóm giáo viên môn Khoa học tự nhiên họp lại để xác định khối lượng kiến thức từng phân môn, xây dựng ma trận đề nhằm đảm bảo sự cân đối giữa các phân môn.
“Ngoài đợt tập huấn chung của toàn tỉnh do sở GD&ĐT tổ chức, phòng Giáo dục tiếp tục tập huấn thêm 1 đợt cho giáo viên bộ môn các trường về công tác ra đề, từ xây dựng ma trận, kỹ thuật xây dựng yếu tố nhiễu ở câu hỏi của đề trắc nghiệm… Việc tập huấn có thêm phân tích trên một số đề minh họa cụ thể để thầy cô có kinh nghiệm trong công tác ra đề”, ông Tú cho biết.
Trong khi đó, với đặc thù địa bàn rộng, nhiều trường học, Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đề xuất vẫn duy trì đề kiểm tra cuối học kỳ chung các môn Toán – Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Anh văn đối với khối lớp 9 và môn Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Anh văn đối với các khối 6 - 7 - 8. Đề sẽ do Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn đảm nhiệm trên cơ sở triệu tập đội ngũ giáo viên cốt cán các trường học.
Học sinh Trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: NTCC |
Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết: “Phòng GD&ĐT ra đề kiểm tra dùng chung cho các trường học, sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực trong dạy thêm – học thêm. Phòng cũng có chung căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục từng trường, từ đó điều chỉnh kịp thời trong công tác dạy học”.
Để chuẩn bị cho việc ra đề kiểm tra chung, Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn đã triệu tập giáo viên cốt cán các môn học nhằm sớm có ma trận đề để nhà trường có thể hình dung định dạng, năng lực nào cần quan tâm, khối lượng kiến thức đề kiểm tra sẽ như thế nào… “Quan điểm của phòng GĐ&ĐT là đề thi sẽ bám sát sách giáo khoa, chỉ có những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao có thể sẽ lấy ở ngoài và chỉ chiếm 1 điểm”, bà Vân cho biết.
Phòng GD&ĐT Bắc Trà My đã đưa hệ thống học và thi trực tuyến lên website của phòng. Học sinh các trường đều có tài khoản trên hệ thống này và vào ôn tập ngay sau mỗi bài học.
“Giáo viên có thể tham khảo hệ thống câu hỏi ở phần mềm này để xây dựng đề kiểm tra cuối học kỳ, nhất là với những câu hỏi trắc nghiệm. Theo số liệu chúng tôi có được, các trường cho học sinh vào luyện tập ở hệ thống này khá nhiều. Trường nội trú đã khai thác phòng Tin học để học sinh củng cố kiến thức, cũng là giảm bớt áp lực cho giáo viên vì có thể đánh giá được mức độ nắm bắt kiến thức của các em mà không cần phải chấm bài bằng tay”, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My cho biết.
Về lâu dài, Phòng GD&ĐT Bắc Trà My sẽ xây dựng ngân hàng đề dựa trên sự đóng góp của các trường học trên địa bàn. Trong đó, theo ông Tú, đề của trường này sẽ do một vài trường khác phản biện đề có một ngân hàng đề tham khảo đủ chuẩn.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam cho biết: “Nhà trường sẽ sớm xây dựng ngân hàng đề, tích hợp ngay trên website của trường để giáo viên, học sinh có nguồn tham khảo.
Một giáo viên bộ môn dạy cho các khối lớp một bậc học đồng thời kiêm nhiệm vụ ra đề kiểm tra định kỳ sẽ rất chật vật vì ‘ôm’ một lúc quá nhiều đề. Chưa kể để đảm bảo có được 1 đề kiểm tra còn phải có ma trận đề, xác định kiến thức trọng tâm, kỹ năng cần đạt được của học sinh, bao quát nội dung chương trình học, có độ nhiễu đạt yêu cầu… không phải đơn giản”.