“Nhà trường hiện có 9 lớp với 340 học sinh. Chúng tôi luôn coi việc học tập và làm theo Bác là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống của nhà trường. Qua đó, đa số các em đều ngoan, lễ phép với thầy cô, đoàn kết với bạn bè, có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong học tập” – cô Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.
Đồng bộ các giải pháp giáo dục...
Ngoài việc học tập theo lời Bác, trường THCS Bình Minh còn linh hoạt lồng ghép các giải pháp để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Chương trình Tết nhân ái góp phần giáo dục tinh thần tương thân tương ái cho học sinh. |
“Nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, chúng tôi quán triệt mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải rèn luyện bản thân, tự hoàn thiện mình để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh học tập, noi theo” – cô Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn học sinh vận dụng các chuẩn mực đạo đức đã được học từ các môn học vào thực tế cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên môn Văn – Giáo dục công dân chia sẻ: “Từ những bài học mang tính chất giáo dục đạo đức, lối sống, chúng tôi đã liên hệ thực tế để truyền đạt cho các em. Qua đó, giáo dục các em từ cái nhỏ nhất là cách ứng xử, xưng hô trong mối quan hệ cho đến những chuẩn mực đạo đức”.
Bên cạnh đó, trường THCS Bình Minh cũng tăng cường công tác tự quản của tập thể lớp, thông qua vai trò cố vấn của giáo viên chủ nhiệm. Sử dụng nhiều biện pháp giáo dục giúp học sinh tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức bằng cách giáo dục bằng dư luận tập thể, cảm hoá bằng tình bạn và lương tâm của mỗi người.
“Chúng tôi chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm có kế hoạch giáo dục đạo đức học sinh. Hàng tuần, hàng tháng có nhận xét, đánh giá, xếp loại cụ thể về từng mặt cho từng học sinh. Qua đó, chỉ cho các em thấy được từng mặt mạnh, yếu để tự điều chỉnh, rút kinh nghiệm” – cô Huệ nói.
Việc giáo dục đạo đức lối sống góp phần vào chiến lược xây dựng trường học hạnh phúc. |
Cũng theo Hiệu trưởng trường THCS Bình Minh, muốn làm tốt và có hiệu quả việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cần tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội một cách đồng bộ, thống nhất. Giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh phải có mối quan hệ mật thiết, thường xuyên thông tin về tình hình học tập rèn luyện của các em để bàn biện pháp phối hợp giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lí học sinh vi phạm đạo đức, kỷ luật và kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân tiêu biểu để kích thích sự tiến bộ của các em.
“Các biện pháp giáo dục nêu trên có mối liên hệ qua lại và thống nhất với nhau. Việc thực hiện nhất quán các biện pháp này tốt sẽ thúc đẩy hỗ trợ nhằm hình thành nhân cách toàn diện cho học sinh, tạo nền tảng để các em vững bước vào tương lai. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước góp phần vào chiến lược xây dựng trường học hạnh phúc của trường THCS Bình Minh ngày một hiệu quả và thành công” – cô Nguyễn Thị Huệ thông tin.