Kinh Kha liên tục chăm sóc động viên Tần Vũ Dương. Khi vào phòng kiểm tra cuối cùng để tắm gội thay quần áo (quân Tần dứng ngoài sẽ kiểm tra quần áo), Kinh Kha và Tần Vũ Dương cùng uống thuốc độc.
Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa. |
Khi ấy vua Tần đặt đại lễ, khắp nơi bố trí canh phòng, hai hàng văn võ bá quan mặc triều phục uy nghi. Hai vị sứ giả nước Yên hoa cả mắt trước cảnh tượng đó. Tần Vũ Dương hơi lộ vẻ hốt hoảng không yên lòng, Kinh Kha phải lén đưa mắt làm hiệu vài lần.
Đến dưới bệ rồng, nội quan tuyên gọi sứ giả lên triều kiến, tự nhiên mặt Tần Vũ Dương thất thần biến sắc làm nhiều viên quan Tần thắc mắc. Kinh Kha bình tĩnh giải thích: Phó sứ chúng tôi chưa từng chứng kiến các lễ trọng của triều đình, chắc gặp vị đại vương oai hùng, cảnh tượng thiết triều long trọng quá, vì thế run sợ biến sắc mặt, xin đại vương tha tội để được làm tròn sứ mệnh.
Vua Tần phán: “Vậy một mình chánh sứ lên điện cũng được”.
Kinh Kha bưng hộp lên mở cho vua Tần xem đầu Phàn Ô Kỳ, vua Tần rất đẹp lòng truyền Kinh Kha lấy bản đồ lên xem. Vừa mở địa đồ ra được một đoạn thì cán chủy thủ lộ ra, Kinh Kha liền nắm lấy tay áo vua Tần nhằm vào ngực đâm tới.
Tần Vương vùng đứng dậy, lưỡi chuỳ thuỷ cắt đứt ống tay áo. Theo luật định nước Tần, quan chầu ở điện không được mang kiếm, còn lang trung cầm vũ khí dưới thềm nếu không có chỉ truyền không được lên điện, thành ra ai cũng lúng túng.
Vua Tần cứ chạy quanh bình phong để tránh. Kinh Kha đuổi gấp quá may viên thái y Hạ Vô Thư đứng gần cầm túi thuốc bất ngờ ném vào mắt Kinh Kha nên vua Tần chạy ra xa một chút.
Tên nội thị trên là Triệu Cao vội hô: Đại vương mau xoay kiếm ra sau lưng mà rút kiếm. Vua Tần vội làm theo, tuốt kiếm ra chạy tới đánh lại Kinh Kha. Kinh Kha cầm chủy thủ ngắn đối địch không lại, bị vua Tần chém trúng đùi trái, ngã lăn ra đất không đứng dậy được. Kinh Kha thu hết tàn lực, cầm chuỷ thủ phóng vào vua Tần nhưng vua Tần tránh được. Chuỷ thuỷ bay tới chạm cột đồng toé lửa.
Vua Tần chém liền mấy nhát, Kinh Kha bị trọng thương, áo quần rách, đầu tóc sổ tung, chỉ có đôi mắt rực lửa. Kinh Kha dựa vào cột cho vững, cười lớn mắng vua Tần rằng: “Mày là bạo chúa hung tàn, ta muốn ép mày phải kí giấy trả hết đất đai cho các nước, giữ yên hoà bình trong thiên hạ, song không may việc chẳng thành. Nay ta không trừ được mày nhưng sẽ có những nghĩa sĩ khác tiếp tục sự nghiệp của ta”.
Bọn tả hữu lúc đó xúm vào băm nhỏ Kinh Kha, còn Tần Vũ Dương vừa mới chạy lên điện được vài bước đã bị bọn lang trung dùng kích đâm chết. Vua Tần ngồi thừ người hơn nửa ngày mới hoàn hồn, sai người đem thây của Kinh Kha, Tần Vũ Dương và đầu Phàn Ô Kỳ ra bêu bên ngoài đường để thị uy.
Có một người đến khóc than đó là nàng Nhiệm Khương. Nàng mang đủ lễ vật của người vợ đến khóc chồng. Nàng ca tụng Kinh Kha, Di Cát và nói lên nỗi lòng của người vợ mất chồng, đám đông xung quanh đều cám cảnh.
Chợt vua Tần đi tới, nghe mọi người kể chuyện vua Tần không bắt tội Nhiệm Khương. Bạo chúa cũng phần nào động lòng trắc ẩn nói rằng: “Thực ra Kinh Kha cũng anh hùng, Di Cát, Nhiệm Khương là liệt nữ hiếm có, nhiều chí sĩ các nước cũng là trượng phu, tráng sĩ, nhưng chỉ có ta mới là vị anh hùng lớn nhất, là người có thể thống nhất Trung Hoa”.
Có mấy người thân tín của Kinh Kha nhân lúc lộn xộn đã đem xác Kinh Kha trốn mất. Sau này mới biết là riêng Kinh Kha, Di Cát, Nhiệm Khương được họ mai táng chung vào một mộ đặt ở tận nước Vệ, sự kiện này xảy ra năm 227 TCN.
Năm 222 TCN, nước Tần diệt nước Yên. Trước khi Cao Tiệm Ly và bạn bè của Kinh Kha bị vua Tần bắt, mọi người còn được nghe Cao Tiệm Ly đàn và hát những bài hát về câu chuyện Kinh Kha:
“Gió thu thổi lạnh tràn sông Dịch
Chào nước Yên, tráng sĩ xuất chinh.
Tiếng đàn lưu luyến người tri kỷ
Ra đi, dù biết sẽ hy sinh
Đời người chỉ sống một lần,
Sống không hổ thẹn anh hùng
tiếng thơm
Kinh Kha, Di Cát, Nhiệm Khương
Tri âm, tri kỷ, kiếp người đáng mong”.