Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của cô giáo người Thái

13/08/2023, 07:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Vi Thị Ỏn, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường vùng khó.

Khi lên chương trình bồi dưỡng, giáo viên cũng cần chú ý đến tính thống nhất giữa các phân môn. Với Tiếng Việt, ngoài củng cố cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, các biện pháp tu từ... thì đối với từng loại đơn vị kiến thức, giáo viên cần chuẩn bị một hệ thống bài tập ứng dụng đối với từng loại.

Với Tập làm văn, giáo viên hệ thống lại kiến thức đã học rồi chia ra từng mảng chuyên đề chủ đề. Do có sự lặp lại và nâng cao về nội dung kiến thức, nên việc ôn luyện lí thuyết có phần thuận lợi hơn. Do đó, khi lên chương trình, giáo viên đặc biệt chú trọng hơn đối với phần luyện tập. Thầy cô có thể bố trí sao cho học sinh được thực hành càng nhiều càng tốt; đối với mỗi kiểu loại, hay mỗi dạng đề, giáo viên cần có ví dụ minh họa cụ thể.

Việc lên kế hoạch về thời gian bồi dưỡng hợp lí, khoa học cũng rất quan trọng. Các buổi học bồi dưỡng không nên gần nhau mà có thể phân đều trong tuần. Mỗi buổi không học quá ba tiết. Mục đích của việc làm này là tạo điều kiện cho các em có thời gian làm bài tập ở nhà và học các môn học khác. Đồng thời làm mềm hóa sự căng thẳng của áp lực thi cử.

Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của cô giáo người Thái  ảnh 2
Khối 9 do cô Vi Thị Ỏn giảng dạy, học sinh đều đạt kết quả với môn Ngữ văn từ trung bình trở lên; trong đó có trên 40% khá, giỏi.

Phương pháp bồi dưỡng kĩ năng

Các kĩ năng trong bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn được cô Vi Thị Ỏn nhấn mạnh là kĩ năng cảm thụ văn chương; kĩ năng đọc tài liệu tham khảo; kĩ năng tạo lập văn bản và kĩ năng hoàn thiện bài viết.

Về kĩ năng cảm thụ văn chương, theo cô Vi Thị Ỏn cần hướng dẫn cho học sinh nắm được những đặc trưng cơ bản của từng thể loại văn học. Trên cơ sở đó, học sinh có hướng phân tích cụ thể. Chẳng hạn, khi phân tích tác phẩm truyện sẽ khác với phân tích tác phẩm thơ. Với tác phẩm truyện, cần chú ý đến cốt truyện, tình huống, nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Còn tác phẩm thơ cần chú ý đến hình ảnh, ngôn ngữ nhạc điệu tiết tấu, cảm xúc của nhà thơ.

Những chi tiết chọn lọc để phân tích tác phẩm phải là những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật được nội dung tư tưởng mà tác giả muốn thể hiện. Việc phân tích biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật nội dung hay vừa phân tích nội dung vừa phân tích nghệ thuật - cũng tùy thuộc vào từng thể loại khi học sinh thành thạo về kĩ năng phân tích thì việc cảm thụ tác phẩm sâu sắc và tự nhiên hơn.

Để học tốt môn Ngữ Văn, cần phải đọc sách nhiều. Nhất là đối với học sinh giỏi môn Ngữ Văn việc đọc sách tham khảo là không thể thiếu. Đó là điều mà giáo viên cần hướng dẫn học sinh. Về việc này, giáo viên cần hướng dẫn các em cách chọn sách tham khảo cũng như cách đọc. Trên cơ sở đó, hình thành các kĩ năng đọc cho học sinh.

Để rèn luyện kĩ năng này, giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh biết cách đọc, ghi chép, suy ngẫm. Từ đó, đối chiếu với phần lí thuyết của từng dạng bài, kiểu bài; tự rút ra những kĩ năng cơ bản khi trình bày một bài văn.

Ví dụ, trước một bài văn đạt giải, giáo viên hướng dẫn học sinh học cách triển khai bài viết. Với nội dung đó, đề bài đó thì cách mở bài được triển khai như thế nào? Phần thân bài được trình bày ra sao? Ở phần kết bài phải làm được những ý gì, kết quả nào?

Tiếp là luyện cho học sinh kĩ năng đọc, nhận xét văn người để bổ sung sửa chữa cho văn mình; không phải học thuộc lòng để sao chép một cách sáo rỗng.

Về kĩ năng tạo lập văn bản, theo cô Vi Thị Ỏn, nói đến kĩ năng này phải nói đến cách trình bày, diễn đạt, cách sắp xếp triển khai bài viết, cũng như cách điều chỉnh thời lượng bài viết cho phù hợp với học sinh. Đây là kĩ năng đòi hỏi thời gian rèn luyện; giáo viên kèm cặp sát sao, chỉ bảo chấm chữa bài tập kịp thời.

Với kĩ năng hoàn thiện bài viết, giáo viên phải thường xuyên đòi hỏi học sinh có năng lực biết tự nhận xét, tự đánh giá, điều chỉnh bài viết của mình; biết tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu; phân tích để thấy đâu là cái đúng, đâu là cái sai… trong bài viết.

Việc hoàn thiện, điều chỉnh có thể tiến hành ngay sau khi học sinh thực hành viết xong; cũng có thể ở buổi ôn sau, rồi giáo viên mới thu, chấm và nhận xét, chỉ ra những lỗi để học sinh điều chỉnh cho đúng, dựa theo sự gợi ý của giáo viên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-boi-duong-hoc-sinh-gioi-van-cua-co-giao-nguoi-thai-post650253.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-boi-duong-hoc-sinh-gioi-van-cua-co-giao-nguoi-thai-post650253.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của cô giáo người Thái