Sự hỗ trợ của chính phủ cũng là yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế Nga. Từ khi chiến tranh bùng nổ, chính phủ Nga đã ban hành rất nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như các loại khoản vay trợ cấp, các biện pháp kiểm soát vốn, tăng lãi suất để bảo vệ đồng rup,..
“Các biện pháp được thực hiện nhanh chóng và hợp lý” - ông Sergei Guriev, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (trụ sở tại Anh) nhận xét.
Nga gần đây đối mặt với thách thức mới khi Mỹ, EU cùng nhiều nước phương Tây tuyên bố sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt lớn” lên Moscow sau cái chết của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.
…nhưng thách thức vẫn còn
Mặc dù Nga đã tránh được thảm họa kinh tế trực tiếp từ chiến sự tại Ukraine cũng như từ các lệnh trừng phạt, nhưng điều đó không có nghĩa mọi chuyện đều suôn sẻ.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 1, bà Alexandra Prokopenko - một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga - cho rằng kinh tế Nga đang đối mặt “bộ ba bất khả thi”, bao gồm tài trợ cho cuộc chiến, duy trì mức sống của người dân và bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc đạt được mục tiêu thứ nhất và thứ hai sẽ đòi hỏi chi tiêu chính phủ cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát và do đó cản trở việc đạt được mục tiêu thứ ba” - bà Prokopenko nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng kinh tế Nga đang tăng trưởng quá nóng và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngành dầu mỏ. Chẳng hạn, việc Điện Kremlin công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 70% vào năm 2024 cũng đe dọa đẩy nền kinh tế nóng hơn.
Một tàu chở dầu thô của Nga gần gần TP cảng Nakhodka (Nga) ngày 4-2-2022. Ảnh: REUTERS
“Tất cả đều là triệu chứng của tình trạng tăng trưởng quá nóng. Một phần ba tăng trưởng được thúc đẩy do chi tiêu quân sự có thể khiến kinh tế lệ thuộc vào quân sự. Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng tăng lên so với trước chiến tranh” - theo bà Prokopenko.
Một mối lo ngại khác đối với kinh tế Nga đó là việc các lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ dần phát huy tác dụng. Các quan chức phương Tây thường xuyên ví von rằng lệnh trừng phạt áp lên Nga “giống như một vết thủng nhỏ trên lốp xe”, không làm vỡ lốp xe ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ có tác động.
Tính đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra 12 gói trừng phạt lên Moscow (bao gồm cả các biện pháp trừng phạt lên ngành xuất khẩu dầu khí Nga) và chuẩn bị áp gói trừng phạt thứ 13. Theo số liệu của EU, 49% hàng xuất khẩu châu Âu sang Nga và 58% hàng châu Âu nhập khẩu từ Nga đang bị trừng phạt.
“Tôi thực sự nghĩ rằng nền kinh tế Nga đang ở trong thời kỳ rất khó khăn vì dòng người di cư ra nước ngoài, khả năng tiếp cận công nghệ giảm đi kèm với các lệnh trừng phạt. Thế nên, mặc dù con số hiện tại có vẻ tốt, nhưng có một câu chuyện lớn hơn đằng sau và đó không phải là một câu chuyện tốt đẹp cho lắm” - bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF nhận xét hôm 12-2.