Kỳ 2: Cảnh báo trái cây có hại khi lạm dụng hoá chất

Hà Phương | 30/09/2023, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trước tình trạng lạm dụng hoá chất để bảo quản trái cây gây độc hại cho sức khoẻ, người tiêu dùng cần lựa chọn mua trái cây tại các cửa hàng uy tín.

bia-12.png

Đâu là loại trái cây chưa an toàn?

Nói tới trái cây nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, các chuyên gia y tế cho biết, các loại trái cây không nguồn gốc bày bán trên thị trường rất phong phú.

Nếu căn cứ vào những lời giới thiệu như táo New Zealand, nho Mỹ, xoài Ấn Độ, cam quýt Thái Lan, lê Trung Quốc… người tiêu dùng rất dễ mắc lừa, khi mua để thưởng thức “của lạ” nước ngoài.

Tuy nhiên những loại trái cây đắt tiền này có đúng như lời giới thiệu hay không? Được bảo quản bằng hóa chất gì và có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không?...Thực tế rất khó biết vì ngay nguồn gốc của chúng cũng rất mập mờ.

Có rất nhiều hóa chất đang được dùng để bảo quản trái cây, trong đó được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và cả những hóa chất độc hại khác.

Loại hóa chất được nói đến nhiều là chất chống nấm dùng trong xây dựng rẻ tiền. Trái cây sau khi được nhúng dung dịch này, các vi sinh vật bám vào sẽ chết ngay nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu.

Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hóa chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, giúp trái cây tươi lâu, giữ nguyên bề ngoài bóng mượt.

Việc phân biệt trái cây nhập khẩu tự nhiên với những loại được bảo quản bằng hóa chất rất khó. Các biện pháp để phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì hóa chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.

hoa-qua-nk.jpeg

Sử dụng trái cây ngâm tẩm hoá chất độc hại thế nào?

Theo nhà khoa học các loại hoá chất nêu trên đều không được phép sử dụng trong việc thúc chín hoặc ủ để trái cây tươi lâu bởi nó gây độc hại cho sức khoẻ con người và môi trường.

Carbendazim phá huỷ quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể có thể gây ung thư và vô sinh. Tebuconazol cũng được FDA đưa vào danh sách các chất gây ung thư.

Với cách quét trực tiếp ở dạng dung dịch đậm đặc lên cuống trái cây, các chất này chắc chắn sẽ vẫn còn dư lượng để gây ra ngộ độc mãn tính với người ăn. Căn cứ theo tiêu chuẩn Đài Loan, dư lượng carbendazim trên sầu riêng cho phép là 1mg/kg.

Mặc dù dư lượng carbendazim trên phần cơm của sầu riêng có thể nằm dưới giới hạn cho phép nhưng điều này không có nghĩa là an toàn tuyệt đối với những người thường xuyên ăn sầu riêng do chất này có khả năng tích luỹ dần trong cơ thể gây đột biến tế bào, phát triển khối u. Chất này cũng có thể gây dị dạng thai nhi.

Việc dấm hoa quả bằng ethrel có thể được xem là an toàn nếu sử dụng ethrel có độ tinh khiết cao, theo đúng chỉ dẫn về thời gian và liều lượng. Về mặt độc tính, chất này có thể gây cảm giác khát nước, khó nuốt, nôn mửa, ngứa rát ở miệng, cổ họng, mũi, xót da và mắt. Tuy nhiên, nó không được xếp vào nhóm các chất gây ung thư cho người.

Căn cứ trên việc khảo sát dư lượng ethrel trong thực phẩm, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ (US-EPA) đã quy định mức hấp thụ hàng ngày cho phép với ethrel là 0,05mg/kg thể trọng và liều lượng nền (liều lượng ước tính tiếp xúc của con người trong một ngày mà không xay ra bất kỳ nguy cơ nào cho sức khoẻ suốt cả đời) là 0,005 mg/kg thể trọng/ngày. Nếu thường xuyên ăn trái cây có tiêm chất này, ethrel sẽ tích tụ, làm tổn thương gan, thận và có thể gây ra các bệnh nguy hiểm.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Cảnh báo trái cây có hại khi lạm dụng hoá chất