Để học sinh đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác ôn tập, hỗ trợ học sinh, nhất là các em có học lực yếu và học sinh người dân tộc thiểu số.
Tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (huyện Cư Kuin), công tác rà soát, sàng lọc học sinh lớp 12 được triển khai ngay từ đầu học kỳ II. Thầy Hoàng Văn Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ những học sinh có nguy cơ không đạt tốt nghiệp. Hội đồng Giáo dục nhà trường bàn bạc, phân công giáo viên theo dõi sát sao quá trình học tập của từng em. Đồng thời, trường trích kinh phí chi thường xuyên để khen thưởng đột xuất cho giáo viên có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ học sinh tiến bộ.
Có trên 30% học sinh dân tộc thiểu số, Trường Trung học Phổ thông Việt Đức đặc biệt quan tâm tới việc giúp các em làm quen với phương thức thi và nội dung chương trình mới. Ngay từ học kỳ I, nhà trường đã tổ chức kỳ thi thử để học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài và nắm vững cấu trúc đề. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với phụ huynh để động viên học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cam kết cùng đồng hành giúp các em ôn tập hiệu quả.
Tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột), năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, nhà trường đã chủ động định hướng học sinh lựa chọn chuyên đề học tập phù hợp với các môn thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học. Sang học kỳ II, các thầy, cô giáo tăng cường ôn tập, tổ chức các tiết phụ đạo theo bộ đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm rèn luyện kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức. Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường kỳ vọng sẽ giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp như những năm học trước. Theo thống kê, đa số học sinh lựa chọn tổ hợp thi phù hợp với năng lực, rất ít trường hợp thay đổi nguyện vọng. Điều này cho thấy, học sinh có sự chuẩn bị tốt và tâm lý ổn định.
Song song với các giải pháp tại cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai đồng bộ các khâu chuẩn bị cho kỳ thi. Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, Sở cũng đề xuất UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Công tác tập huấn cho cán bộ làm thi được tổ chức bài bản, gồm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách máy tính, giáo viên tư vấn tuyển sinh và tập huấn nghiệp vụ coi thi cho trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư ký các điểm thi.
Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về kỳ thi nhằm nâng cao nhận thức trong học sinh và phụ huynh. Các đơn vị phối hợp với phụ huynh, đoàn thể để hỗ trợ học sinh trong quá trình ôn tập, tạo môi trường học tập tích cực, động viên kịp thời về tinh thần và vật chất. Giáo viên bộ môn và tổ chuyên môn được yêu cầu xây dựng kế hoạch ôn tập theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bám sát đề thi minh họa, đặc biệt quan tâm tới học sinh có học lực yếu. Công tác hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi được triển khai sớm, đảm bảo thí sinh nắm rõ quy trình, kể cả đối tượng là thí sinh tự do.
Các thông tin về lịch thi, thời gian thi, quy chế thi, chế độ ưu tiên, khuyến khích… được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk (www.gddt.daklak.gov.vn). Đặc biệt, học sinh lớp 12 sẽ được hướng dẫn tạo tài khoản để thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến theo quy định mới. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu kỳ thi, rà soát, điều chỉnh thông tin thí sinh; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí cần thiết để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế, ông Đỗ Tường Hiệp thông tin.