Giáo dục

Kỳ thi vào lớp 10: Thay đổi cách dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới

11/09/2024 08:17

Ngày 29/8, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025.

Việc thay đổi cấu trúc đề thi sẽ tác động trở lại cách dạy và học ở THCS, nhất là đối với lớp 9 năm học 2024 - 2025.

Giờ học tại Ban Mai School. Ảnh: NTCC

Nhanh chóng tiếp cận

TS Trần Vân Anh - Phó phòng Đào tạo Ban Mai School nhận định, định dạng và đề thi minh họa mới được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực học sinh. Thay vì kiểm tra kiến thức, học sinh được đánh giá theo năng lực đặc thù của môn học.

Câu hỏi trong đề được biên soạn ở các cấp độ khác nhau nhằm phân hóa năng lực thí sinh với nhiều dạng thức: Câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu trắc nghiệm trả lời ngắn. Với dạng đề này, học sinh không còn phải học thuộc lòng, học tủ, mà cần tư duy và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.

“Năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên thi vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Mặc dù đã làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, nhưng cấu trúc và định dạng đề thi vào lớp 10 thay đổi, đặt ra yêu cầu đổi mới hình thức đánh giá và phương pháp dạy học ở THCS, nhất là học sinh lớp 9”.

Chia sẻ điều này, TS Trần Vân Anh cho biết, nhà trường đã thông tin, giải thích về cấu trúc định dạng đề mới tới giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh; chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích và xây dựng ngân hàng câu hỏi với định dạng như đề minh họa đã công bố.

Nhà trường đồng thời quan tâm tổ chức dạy - học chú trọng đến năng lực mục tiêu đầu ra của học sinh. Thực hiện kiểm tra, đánh giá hằng tháng đối với lớp 9 theo cách trộn lẫn học sinh toàn khối; mục đích để các em rèn luyện, chuẩn bị thật tốt kiến thức, kỹ năng và khả năng tư duy khi vào phòng thi.

Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) cũng có kế hoạch triển khai kịp thời các công việc giúp học sinh làm quen đề minh họa và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10 năm tới.

Theo cô Phó Hiệu trưởng Lê Thị Hương Mai, nhà trường sẽ định hướng và điều chỉnh phương pháp dạy học tích cực từ nội dung, hình thức, cách thức đánh giá; triển khai áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp theo từng môn học; xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Các bài kiểm tra của trường sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa, giúp học sinh nắm vững kiến thức và có phương pháp làm bài hợp lý.

Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội đã xây dựng chương trình chính khóa, chương trình bổ sung nâng cao và chương trình ôn thi vào lớp 10 của từng bộ môn, vừa bảo đảm yêu cầu Chương trình GDPT 2018, vừa bám sát cấu trúc đề thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các kỳ kiểm tra khảo sát, tăng cường chấm chữa bài giúp học sinh được trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm bài, hướng đến đáp ứng tốt kỳ thi vào 10.

Giảng dạy Ngữ văn, cô Trần Thị Mai Hương - giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm lưu ý, năm đầu tiên tuyển sinh theo chương trình và phương thức mới đòi hỏi các nhà trường, giáo viên phải thực sự vào cuộc. Riêng bộ môn Ngữ văn, đổi mới kiểm tra đánh giá yêu cầu cao về kỹ năng đọc hiểu và phân tích ngữ liệu ngoài chương trình. Đây vừa là khó khăn, thử thách, lại vừa là điểm hấp dẫn, tránh lối học chay, học vẹt. Vì vậy, giáo viên cần rèn cho học sinh các kỹ năng theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

ky thi vao lop 10a.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Thay đổi cách dạy, cách học

Trước thay đổi về đề thi vào lớp 10, cô Trần Thị Tuyết Nhung - Tổ trưởng Ngữ văn Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Nhà trường và tổ nhóm chuyên môn đã triển khai cho học sinh làm bài kiểm tra theo hướng ra đề mới. Học sinh được làm quen dần cấu trúc đề thi minh họa.

Với việc dạy học, nhà trường định hướng và yêu cầu giáo viên không được dạy theo kiểu học tủ, học vẹt. Do cấu trúc đề mới khó với học sinh yếu và trung bình nên thầy cô cần rèn tư duy và khả năng cảm thụ, lập luận, hiểu biết xã hội.

Để học sinh làm tốt đề minh họa, giáo viên cần dạy kỹ phần Tiếng Việt, các dạng bài tập làm văn; về văn bản, chú ý giúp trò nắm thật chắc đặc trưng thể loại. Ngoài ra, học sinh cũng cần nắm chắc kỹ năng làm các dạng câu hỏi đọc hiểu, kỹ năng viết bài/viết đoạn cảm nhận về thơ, truyện... và kỹ năng viết bài/viết đoạn nghị luận xã hội.

Cô Lê Thị Hương Mai - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa thì lưu ý học sinh cần có chiến lược ôn tập cụ thể theo định hướng của giáo viên ngay từ đầu năm học; tập luyện cách phân tích đề, hiểu rõ yêu cầu của từng câu hỏi trước khi bắt đầu làm bài để tránh nhầm lẫn. Đặc biệt, các em cần rèn kỹ năng thay vì ghi nhớ máy móc; hình thành thói quen theo dõi các sự kiện xã hội, tìm hiểu và giải thích các hiện tượng tự nhiên xung quanh.

Chia sẻ những lưu ý với giáo viên, TS Trần Vân Anh nhấn mạnh đầu tiên đến việc các tổ chuyên môn triển khai nghiên cứu và xây dựng ngân hàng câu hỏi của bộ môn theo cấu trúc, dạng thức đề thi. Giáo viên dạy lớp 9 chủ động ra các dạng bài tập, câu hỏi theo dạng thức đề thi được công bố và hướng dẫn để học sinh làm quen, làm chủ lộ trình học tập; đồng thời hướng dẫn trò phương pháp ôn luyện, làm bài thi hiệu quả.

“Học sinh phải thay đổi cách học tập. Thay vì học tủ, học lệch để ứng thí, các em cần phát huy năng lực tự học, kết hợp học lý thuyết với thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Hãy xem xét kỹ dạng thức và cách làm bài đối với loại câu khác nhau; học tập chủ động, nỗ lực hết khả năng trong học tập và kiểm tra, đánh giá; học chắc các môn học, học đến đâu, làm bài ôn luyện tới đó. Khuyến khích các em tự xây dựng câu hỏi khác nhau trong quá trình ôn luyện, củng cố kiến thức”, TS Trần Vân Anh lưu ý.

Cô Trần Thị Mai Hương - giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm thì nhắn nhủ, học sinh không nên hoang mang, lo lắng trước những thay đổi trong kỳ thi chuyển cấp. Thay vào đó, các em nên xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, nghe theo hướng dẫn của thầy cô để từng bước nắm chắc kiến thức, trau dồi kỹ năng và chinh phục kỳ thi này. Mỗi học sinh nên xác định mục tiêu thật rõ ràng, phù hợp với năng lực cá nhân để có thể đạt được nguyện vọng.

Trong số 7 môn có đề minh họa được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, 2 môn theo hình thức tự luận là Ngữ văn, Toán; 5 môn theo hình thức trắc nghiệm là Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học. Lần đầu tiên, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý và Tin học được đưa vào danh mục các môn thi vào 10.

Với cấu trúc, định dạng đề thi theo hướng đánh giá năng lực, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội được đồng bộ với mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Đây là biểu hiện rõ nét của việc chuyển từ “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”, giúp quá trình dạy học hướng vào người học thay vì biến việc học hướng vào kỳ thi. - TS Trần Vân Anh - Phó phòng Đào tạo Ban Mai School

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-vao-lop-10-thay-doi-cach-day-hoc-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-post700185.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-vao-lop-10-thay-doi-cach-day-hoc-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-post700185.html
Bài liên quan
Đổi mới phương pháp quản lý giáo dục
Ngày 19/11, UBND TP Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi vào lớp 10: Thay đổi cách dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới