Thực tập được coi là bước đệm quan trọng trước khi sinh viên ra trường. Với nhiều người, ba tháng ấy để tích lũy kinh nghiệm thực tế, song không ít bạn lại xem đây như một gánh nặng phải hoàn thành.
Thực tập - Thực chất hay hình thức?
Ngay từ đầu năm thứ ba, Đặng Thị Oanh - sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Trường ĐH KHXH& và NV (ĐH Quốc gia TPHCM) - đã bắt đầu cộng tác với một công ty truyền thông qua vài dự án nhỏ. Nhờ thái độ làm việc nghiêm túc và tinh thần học hỏi, Oanh dễ dàng được vào thực tập khi bước vào năm cuối.
"Mình không mất thời gian chạy đôn chạy đáo tìm nơi thực tập, cũng không lo phải đi xin xác nhận hay phỏng vấn nhiều chỗ. Vì đã có trải nghiệm từ trước, nên khi thực tập, mình được giao việc đúng chuyên môn, được hướng dẫn tận tình và tiếp tục được học hỏi rất nhiều điều thực tế", Oanh chia sẻ.
Nhưng không phải sinh viên nào cũng có tâm thế và sự chuẩn bị kỹ càng như vậy. Nhiều sinh viên vẫn đi xin nơi thực tập chỉ để lấy dấu mộc và một tờ giấy xác nhận về nộp cho nhà trường.
Bùi Hồng Phúc - sinh viên ngành kế toán của một trường đại học tại Nghệ An thừa nhận: "Mình chỉ cần chỗ nào đồng ý ký xác nhận thực tập là được, chứ thực ra cũng không có ý định đi thực tập thật sự".
Trên các hội nhóm sinh viên, không khó để bắt gặp những bài đăng tìm nơi xin dấu xác nhận thực tập, kèm theo dòng mô tả quen thuộc: "Không cần đi làm, chỉ cần ký giấy đúng hạn".
Tình trạng sinh viên được nhận vào thực tập nhưng không được giao việc, không có người hướng dẫn vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp, hoặc có bạn bị phân công làm việc không liên quan đến chuyên môn.
Võ Thị Thùy Sương - sinh viên ngành kinh doanh quốc tế - chia sẻ trong suốt 2 tháng thực tập tại một công ty xuất nhập khẩu, bạn chủ yếu photo tài liệu và làm những công việc vặt không tên trong văn phòng.
"Mình cứ nghĩ sẽ được học cách theo dõi đơn hàng hay ít nhất cũng được quan sát quy trình làm việc của bộ phận logistics. Nhưng thực tế là không ai hướng dẫn cả, chỉ đến rồi về, ai nhờ gì thì làm nấy", Sương kể.
Đến cuối kỳ, các bạn vẫn nộp báo cáo dày cộp, từ nhật ký thực tập đến nhận xét cá nhân, kế hoạch công việc. Dù công việc ở nơi thực tập không đúng như vậy, nhiều sinh viên thừa nhận: "Chỉ cần tìm một mẫu báo cáo cũ, chỉnh sửa lại tên công ty, nội dung công việc cho khớp là xong".
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến kỳ thực tập của nhiều sinh viên chưa phát huy đúng giá trị, cô Nguyễn Thu Hiền - giảng viên ngành Quản trị nhân lực - chia sẻ: "Vấn đề cốt lõi nằm ở cả ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên vẫn chưa thật sự có tiếng nói chung.
Về phía sinh viên, không ít bạn chưa có sự chuẩn bị hoặc định hướng rõ ràng cho giai đoạn này. Khối lượng công việc dồn dập vào cuối đại học, từ thi cử, làm luận văn đến chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp khiến nhiều sinh viên cảm thấy quá tải và khó có thể toàn tâm toàn ý cho kỳ thực tập.
Nhiều trường vẫn đang để sinh viên tự tìm nơi thực tập, trong khi hệ thống liên kết doanh nghiệp với nhà trường còn hạn chế. Việc đánh giá quá trình thực tập chủ yếu dựa vào báo cáo do sinh viên nộp, chưa có hình thức kiểm tra kỹ càng. Điều này khiến sinh viên dễ rơi vào tình trạng chọn đại một nơi để lấy xác nhận, chứ không thực sự được hỗ trợ để tiếp cận môi trường làm việc".
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nhân lực và thời gian để hướng dẫn sinh viên. "Một số đơn vị chỉ tiếp nhận sinh viên theo kiểu xã giao, không có kế hoạch đào tạo cụ thể, dẫn đến tình trạng sinh viên "ngồi chơi xơi nước", hoặc chỉ làm các việc không liên quan gì đến chuyên môn ", cô cho biết thêm.
Làm sao để biến 3 tháng thực tập trở thành bước đệm sự nghiệp?
Thực tập không chỉ là điều kiện để hoàn thành tín chỉ, mà còn là khoảng thời gian quý giá để sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, học hỏi từ các anh chị trong nghề và khám phá năng lực bản thân. Tuy nhiên, để 3 tháng ấy không trôi qua một cách lãng phí, sinh viên cần chủ động hơn trong từng bước đi.
Chị Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng Nhân sự của một công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Mỹ Khê đánh giá: "Quan trọng nhất là chọn đúng nơi thực tập.
Thay vì xin đại một công ty chỉ để lấy giấy xác nhận, các bạn hãy cố gắng tìm kiếm các doanh nghiệp có liên quan đến chuyên ngành, có môi trường làm việc chuyên nghiệp và sẵn sàng hướng dẫn sinh viên.
Việc này nên bắt đầu từ sớm, không chờ đến sát ngày đi thực tập mới cuống cuồng tìm nơi nhận. Bạn nên xin cộng tác từ trước, hoặc làm thêm những công việc liên quan đến ngành nghề để dễ dàng xin thực tập khi nhà trường yêu cầu".
Trong quá trình thực tập, chị Thanh Nhàn khuyên sinh viên nên chủ động đề xuất được giao việc, hoặc xin tham gia vào các đầu việc dù nhỏ để học hỏi.
Sinh viên đừng ngại hỏi, đừng ngại làm, và cũng đừng chỉ ngồi chờ người hướng dẫn giao bài. Sự chủ động và thái độ cầu thị là yếu tố khiến bạn được nhớ tới, điều này rất quan trọng nếu bạn muốn quay lại công ty đó làm việc sau khi ra trường.
Các bạn hãy xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đi làm đúng giờ, có trách nhiệm, giao tiếp tốt và luôn học hỏi. Đây là thời điểm để bạn rèn luyện kỹ năng mềm, làm quen với văn hóa công sở và tạo mối quan hệ có ích cho tương lai.
Cuối cùng, bạn đừng quên ghi chép lại quá trình thực tập, từ công việc đã làm đến những bài học rút ra. Điều này không chỉ giúp bạn dễ dàng viết báo cáo cuối kỳ, mà còn là cơ sở để bổ sung nội dung cho CV (sơ yếu lý lịch), hồ sơ xin việc sau này.
"Thực tập là một hành trình ngắn, nhưng nếu đi đúng hướng, đây hoàn toàn có thể mở ra cánh cửa lâu dài cho sự nghiệp. Thành quả bạn nhận lại nhiều hay ít phần lớn nằm ở chính thái độ và sự đầu tư của bạn trong hành trình ấy", chị Nhàn khẳng định.