Anh Nguyễn Văn Đương (40 tuổi, sống tại Bình Dương) có một bộ sưu tập khá độc đáo.
Anh Nguyễn Văn Đương (40 tuổi, sống tại Bình Dương) có một bộ sưu tập khá độc đáo. Đó là gần 8 nghìn quyển sách, 5 nghìn quyển vở, 500 sổ lưu bút, kỷ yếu và đồ dùng, giấy tờ, tư liệu… của các thế hệ học trò trong vòng 100 năm qua.
Nguyễn Văn Đương sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, từ năm 2006 chuyển vào Bình Dương lập nghiệp và sinh sống. Anh là nhân viên kinh doanh của một văn phòng đại diện nước ngoài, công việc không liên quan đến việc sưu tầm sách.
“Cuốn sách khiến tôi tốn nhiều công sức sưu tầm nhất là bộ sưu tập sách giáo khoa giảng dạy trong chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến.
Ban đầu chủ nhân cũ không chịu bán vì đây là bộ sách quý. Vài năm sau đó nhờ có duyên với bộ sưu tập này mà tôi cũng sở hữu được. Lúc đó, tài chính cũng không dư dả nhưng vì đam mê sưu tập tôi vẫn cố gắng để mua”, anh Đương nhớ lại.
Anh Đương bắt đầu sưu tầm sách từ năm 2010. Ý tưởng ban đầu của anh là tìm lại những cuốn sách vở, truyện tranh, kỷ vật từ thời đi học. Sau khi đã mua được số lượng kha khá, anh chợt nhận thấy điều này rất ý nghĩa nên quyết định dành thời gian và tiền bạc để sưu tầm chuyên sâu.
Anh thường tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội, tiệm sách cũ, người quen, đôi lúc là ở các vựa ve chai. Hễ cứ gặp các cuốn sách, vở tư liệu với giá cả phải chăng, anh đều bỏ tiền mua. Từ đó, căn nhà của anh trở thành một thư viện mini khi mọi ngóc ngách đã chứa đầy sách, vở, tư liệu học sinh.
Tiêu chí đầu tiên khi anh chọn mua phải thuộc đề tài mình sưu tầm như sách giáo khoa, vở, tài liệu, sách văn học Việt Nam xưa, sách thiếu nhi, sách nghiên cứu về văn hóa đời sống, lịch sử, địa lý và các kỷ vật học sinh... Tiếp đó, anh xem xét tiêu chí niên đại, càng lâu năm vật sưu tầm càng có giá trị.
Đặc biệt, yếu tố quý hiếm được anh khá chú trọng. Có những cuốn sách giáo khoa xưa dù tuổi đời không thực sự nhiều nhưng lại rất hiếm có, khó tìm. Ví dụ, sách dạy chương trình Bình dân học vụ thập niên 1950, hay những cuốn sách “Tập đọc” chương trình tiểu học nửa đầu thập niên 1970 ở miền Bắc.
“Một tiêu chí nữa là độ phong phú, đối với tôi, sưu tầm càng nhiều tư liệu càng tốt. Chính vì vậy, tôi không quá kén chọn trong quá trình mua sách vở tư liệu. Có nhiều cuốn đã bị rách, mối mọt khá nghiêm trọng nhưng vì nội dung của chúng rất có giá trị tôi vẫn chọn mua”, anh Đương giải thích.
Anh Đương chia sẻ rằng, muốn sưu tầm bao quát sách, vở cũ vì niềm đam mê và sợ ít người quan tâm, vứt bỏ sẽ mai một dần. Bộ sưu tập đôi khi không chỉ có những quyển sách xưa, mà đó còn phải là những quyển sách độc, hay có khi chỉ là một giấy bìa cũ.
Nhiều người biết đến bộ sưu tập này cũng ngỏ ý muốn mua lại nhưng anh từ chối bán. Bởi với anh, tất cả đều là tài sản vô giá, anh chỉ săn tìm để lưu giữ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh.
“Tôi yêu thích nhất chính là những cuốn sách giáo khoa, vở viết, kỷ vật học sinh trong giai đoạn mình đi học từ năm 1990 - 2002. Chúng cũng chính là lý do, là động lực để đưa tôi bắt tay vào sưu tầm bộ sưu tập này”, anh kể.
Cuốn sách giáo khoa cổ nhất anh đang lưu giữ là sách “Minh Tâm Bửu Giám” viết bằng chữ Nho, in vào năm Nhâm Ngọ. Sách không ghi niên hiệu nên chưa thể xác định chính xác niên đại, nhưng anh đoán khả năng cao là năm Nhâm Ngọ 1882, hoặc có thể xưa hơn nữa.
Thêm vào đó, anh Đương cũng giới thiệu 2 cuốn sách “Minh Tâm Bửu Giám” của học giả Trương Vĩnh Ký in vào các năm 1891 và 1893 viết bằng chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Theo anh, đây là cuốn sách giáo khoa nổi tiếng thời xưa, trong đó có ghi các lời khuyên, câu châm ngôn, tích truyện để dạy dỗ rèn giũa học trò.
Trong bộ sưu tập của anh Đương, cuốn lưu bút học trò xưa nhất là năm 1942 của một nữ sinh Gia Long tại Sài Gòn. Cuốn sách kỷ yếu trường học xưa nhất in năm 1941 của Trường Trung học La San Taberd tại Sài Gòn.
Trong đó có nhiều hình ảnh về lớp học và thầy trò thuộc niên khóa 1940 - 1941 cùng các bài viết về lịch sử hình thành và phát triển của trường.
Đối với sách giáo khoa, có thể dễ phân biệt thông qua các năm in nhưng với vở học sinh không có năm in, anh căn cứ vào đặc điểm từng giai đoạn, chất liệu giấy, mực in, hoa văn trang trí để phân loại theo năm.
Việc sưu tầm các cuốn sách, vở tài liệu quý hiếm đôi lúc gặp rất nhiều khó khăn bởi người chủ chưa muốn hoặc không muốn bán. Nhớ lại gần 10 năm trước, anh kể, mình rất mê bộ sưu tập khoảng hơn 30 cuốn sách giáo khoa xưa của một anh luật sư ở Hà Nội.
Trong đó có những cuốn in từ thập niên 1910 - 1920 cùng vài cuốn sách thời Bình dân học vụ đầu thập niên 1950. “Mấy lần tôi hỏi mua nhưng anh ấy đều không bán. Đột nhiên vài năm sau, anh ấy liên hệ với tôi và nói cần tiền nên muốn bán cả lô sách này.
Vì quý mến nhau nên anh cũng chỉ muốn bán cho tôi để ghép vào bộ sưu tập. Đợt đó cũng hơi thiếu tiền nhưng vì lô sách rất quý hiếm nên tôi vay mượn để mua ngay”, anh Đương kể.
Nhìn ngắm những cuốn sách giáo khoa xưa, anh nhận thấy chúng có cách trình bày đơn giản, hình ảnh mộc mạc, giản dị nhưng vẫn chứa đựng sự sâu sắc, ý nghĩa của giáo dục.
Cùng với sách vở cũ, những cuốn lưu bút mà anh Đương sưu tầm được cũng đem lại cho người xem nhiều cảm xúc. “Khi xem những cuốn lưu bút cũ của những người bạn gửi cho nhau, tôi thấy được quá khứ của nhiều người hiện lên trước mắt như những thước phim lịch sử.
Có rất nhiều hình ảnh thanh xuân của chủ nhân khi còn là học sinh cuối cấp hay những cuộc chia tay ở hai đầu đất nước khiến tôi rất xúc động. Những tâm tình, trăn trở họ gửi cho nhau làm cho tâm hồn của mình như được giao thoa”, anh Đương tâm sự.
Trong căn nhà nhỏ của anh Đương, 20 tủ kính trưng bày đầy đủ các loại sách, vở, lưu bút từ nhiều thập kỷ trước. Gần 15 năm sưu tầm, anh có gần 8 nghìn sách giáo khoa, khoảng 5 nghìn cuốn vở và 500 sổ lưu bút, kỷ yếu trường lớp xưa cùng với rất nhiều đồ dùng, giấy tờ tư liệu học sinh của Việt Nam trong hơn 100 năm qua.
Ngoài bộ sưu tầm sách xưa được trưng bày ở nhà, anh còn thực hiện số hóa sách giáo khoa để đưa lên mạng. Gần 10 năm trước, website mang tên thuongmaitruongxua.vn được anh lập nên, đăng tải bản scan rất nhiều cuốn sách giáo khoa và truyện thơ thiếu nhi để mọi người cùng xem miễn phí.
“Hiện, website vẫn hoạt động bình thường, thu hút được gần 10.000 bạn đọc. Điều này cho thấy, qua năm tháng, sức hút của sách cũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp hiếm có của văn hóa đọc.
Số lượng những người đam mê sưu tầm sách cũ tuy vẫn “khiêm tốn” nhưng đây là những tín hiệu vui cho thấy giá trị của sách cũ vẫn tiếp tục lan tỏa trong thời đại công nghệ số”, anh Đương khẳng định. Thời gian tới, anh dự định sẽ làm thêm mảng video chia sẻ kiến thức, hình ảnh về bộ sưu tập của mình qua nền tảng TikTok.
Theo anh Đương, người sưu tầm sách cũ luôn xem việc sưu tầm như một thú vui và đó cũng là cách họ gìn giữ kiến thức theo cách riêng của mình. Mỗi một quyển sách cũ là tài sản vô giá và trở thành niềm đam mê của những người yêu thích sự hoài cổ và giới nghiên cứu. Có những người bỏ rất nhiều tâm sức để tìm kiếm những cuốn sách cũ chỉ vì thích đọc và muốn gìn giữ những giá trị văn hóa xưa cũ, quý báu mà người xưa để lại.
Về việc bảo quản sách, anh Đương nói, khí hậu miền Nam có độ ẩm và chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa không quá cao nên dễ bảo quản sách, vở tư liệu hơn so với miền Trung và miền Bắc.
Tuy nhiên, vì chất liệu là giấy nên vẫn có nguy cơ bị gián, kiến, mối mọt, chuột bọ cắn phá. Với những cuốn sách, vở, tư liệu quý, anh thường để trong tủ kính đóng kín, còn lại đóng giá sắt trưng bày trên tầng 2, hướng có nhiều ánh nắng mặt trời để côn trùng, chuột bọ khó sinh sôi.
“Thường thì từ 4 - 6 tháng tôi sẽ mở các tủ kiểm tra một lượt hoặc đảo sách vở tư liệu rồi phun thuốc chống mối mọt. Nhờ đó, tôi vẫn bảo quản được bộ sưu tập tương đối tốt, chỉ có một số ít sách vở bị hư hại”, anh vui vẻ cho biết.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Đương là về bộ sách tập đọc và học vần lớp Vỡ lòng ở miền Bắc in vào năm 1960. Anh đã sưu tầm được khoảng 10 cuốn từ ba miền Bắc - Trung - Nam, nhưng điều thú vị là trên trang bìa của các cuốn sách này đều có cùng một chữ ký. Hóa ra, tất cả các cuốn sách này đều từng thuộc về một người chủ, được truyền tay qua nhiều thế hệ học sinh khắp ba miền rồi quay về hội tụ trong bộ sưu tập của anh.