Ông cũng khẳng định Kyrgyzstan có thể hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm khai thác của các công ty như Laoshan. Công ty này là nhà sản xuất và phân phối đồ uống lớn của Trung Quốc, chuyên sản xuất nước đóng chai, nước đóng thùng và nước giải khát.
Ông Wang Da đã thể hiện sự quan tâm đến triển vọng nhập khẩu nước sạch từ Kyrgyzstan.
Sau các cuộc đàm phán, hai bên đã đồng ý lên lịch các cuộc họp tiếp theo để thảo luận và soạn thảo một kế hoạch hành động.
Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nước. Theo trang Earth.org, quốc gia này là nơi sinh sống của 20% dân số toàn cầu nhưng chỉ được tiếp cận 6% nguồn nước ngọt của thế giới.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm công nghiệp cũng đang đè nặng lên nguồn cung cấp nước của Trung Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ, tổng lượng nước sử dụng của quốc gia này đã tăng 9% từ năm 2000 đến năm 2015 và lượng phát thải nước thải tăng hơn 50%.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã khởi động một số dự án nhằm cải thiện việc phân phối nước trên khắp đất nước, cũng như đưa ra các biện pháp tiết kiệm nước, trong đó có dự án "thành phố bọt biển" được thiết kế để thu thập và tái chế nước mưa.
Kyrgyzstan tự hào có hơn 9.900 sông băng và tuyết vĩnh cửu trải dài trên diện tích khoảng 6.680 km vuông. Các sông băng chiếm khoảng 3,3% tổng diện tích lãnh thổ của đất nước này. Và theo nhiều ước tính, chúng chứa khoảng 600 tỷ mét khối nước.
Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông địa phương, quốc gia này cũng thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do phân phối nước không đầy đủ và thiếu cơ sở hạ tầng như giếng nước và hồ chứa nước uống. Mới tháng trước, một số khu dân cư ở thủ đô Bishkek đã bị cắt nước luân phiên.
Các nhà chức trách lý giải vấn đề trên là do mùa xuân năm nay đặc biệt mát mẻ. Vì nhiệt độ lạnh giá, các sông băng không tan chảy kịp thời nên mực nước tại giếng chứa Orto-Alysh cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Bishkek giảm xuống mức cực thấp.