Làm bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Những kĩ năng quan trọng

Hải Bình | 23/03/2022, 12:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Đinh Thị Thúy Nga, giáo viên Trường trung học phổ thông Ban Mai-Hà Nội giúp thí sinh những kĩ năng quan trọng giúp học sinh làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với môn Ngữ văn.

Đề bài văn nghị luận xã hội thường yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn vài dòng cũng không bị trừ điểm (tối đa 1 trang giấy thi).

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời câu hỏi: Chủ đề/ luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần phải nêu luận cứ cụ thể nào? Để viết tốt đoạn văn, học sinh cần nắm vững bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu... Trong khi viết đoạn văn, học sinh sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận...

Để viết được đoạn văn nghị luận xã hội đạt điểm cao, ngoài những kỹ năng cứng như trên, học sinh cần có những kỹ năng mềm như nắm bắt tình hình xã hội, những vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra mang tính thời sự... Học sinh bắt buộc phải đưa dẫn chứng vào bài làm nhưng tránh đưa vào bài quá nhiều dẫn chứng hoặc những dẫn chứng đã quá quen nhàm. Tránh hô khẩu hiệu, lan man, dài dòng.

Kĩ năng làm câu nghị luận văn học

Trong bài thi môn Ngữ văn, bài nghị luận văn học chiếm 50% số điểm của toàn bài, do đó là phần đòi hỏi học sinh dành nhiều thời gian, kiến thức và thể hiện kĩ năng viết bài cứng cáp. Để làm tốt bài này, học sinh cần nắm chắc kiến thức chung của các tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, đặc biệt là các tác phẩm trọng tâm của lớp 12.

Theo định hướng đề thi những năm gần đây, khi làm bài học sinh có thể làm theo những bước sau:

Bước 1: Nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ - cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý khái quát, có đưa ra những ý quan trọng của từng phần:

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lí giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/lam-bai-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-nhung-ki-nang-quan-trong-t3PaNCE7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/lam-bai-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-nhung-ki-nang-quan-trong-t3PaNCE7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Những kĩ năng quan trọng