Nhiều phụ huynh nhận thấy việc nuôi dạy con khó hơn họ nghĩ. Ảnh: Pexels. |
Theo một khảo của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào ngày 24/1, các bậc cha mẹ Mỹ nhận thấy việc dạy con khó hơn nhiều so với suy nghĩ.
Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã làm khảo sát với 3.757 phụ huynh Mỹ. Cứ 10 phụ huynh có con dưới 18 tuổi lại có 8 người cảm thấy việc dạy con thú vị và bổ ích. Nhưng 2/3 trong số đó cũng nói rằng việc dạy con khó hơn họ nghĩ. Đặc biệt, 1/3 bà mẹ nói rằng dạy con khó hơn họ tưởng rất nhiều.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã làm rõ lý do việc nuôi dạy con đang ngày càng căng thẳng hơn. Cụ thể, các bà mẹ ngày nay cảm thấy bị giằng xé giữa các vai trò khác nhau. Ngoài việc nuôi dạy con, họ còn công việc, đồng thời phải chịu áp lực từ xã hội về việc đáp ứng những tiêu chuẩn về vai trò của một người mẹ.
Theo khảo sát, chỉ 1/3 các bà mẹ nói rằng làm mẹ là khía cạnh quan trọng nhất đối với họ. Tuy nhiên, những người này cho biết họ cảm thấy họ bị người khác đánh giá về việc nuôi dạy con nhiều hơn so với các ông bố. Các mẹ cũng phải dành nhiều thời gian hơn để nuôi con về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Trong những năm gần đây, đại dịch buộc nhiều bà mẹ phải thực hiện vai trò này, ngay cả khi việc nuôi dạy con không nằm trong kế hoạch của họ.
Các bậc cha mẹ thu nhập thấp, người da đen hoặc người gốc Tây Ban Nha có nhiều khả năng cho rằng làm cha mẹ là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ cũng có nhiều khả năng nói rằng việc nuôi dạy con rất thú vị hoặc bổ ích. Điều này hoàn toàn khớp với phát hiện rằng đối với nhiều phụ nữ nghèo, trẻ em chính là khởi nguồn của bản sắc làm mẹ và những điều ý nghĩa.
Nhiều người tin rằng gần gũi với con chính là cách tốt nhất để dạy con. Ảnh: Pexels. |
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện các bậc cha mẹ ngày nay cảm thấy áp lực nặng nề khi phải liên tục dạy dỗ và tương tác với con cái. Trong khi các thế hệ trước dành nhiều thời gian cho các hoạt động của người lớn khi có con cái ở bên.
Trước đây, việc tập trung vào con cái từng chỉ là mục tiêu của tầng lớp trung lưu, thượng lưu, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy cha mẹ thuộc mọi tầng lớp đều tin rằng gần gũi với con chính là cách tốt nhất để nuôi dạy con. Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ, con cái được gắn kết cảm xúc nhiều hơn.
Hơn một nửa cha mẹ làm khảo sát với Pew cho biết họ nuôi dạy con khác với cách cha mẹ nuôi dạy họ trước đây. Những cha mẹ thời hiện đại cho biết điều khác biệt là cách họ thể hiện tình yêu thương và xây dựng mối quan hệ với con cái.
Cụ thể, họ muốn con nhận được những sự hỗ trợ vô điều kiện từ cha mẹ. Điều đó có nghĩa là cha mẹ ít la hét, thể hiện tình cảm nhiều hơn và trò chuyện trung thực về những chủ đề khó, nhạy cảm.
"Tôi cố gắng nói chuyện hàng tuần với các con để kiểm tra cảm xúc của chúng có ổn hay không. Ngay cả khi các con ổn, tôi vẫn muốn nhắc các con rằng tôi luôn ở bên chúng", một người mẹ 32 tuổi nói với Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Một vấn đề khác khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn hơn là loạt mối quan tâm mới về sức khỏe của trẻ. Nỗi sợ hãi của cha mẹ về sức khỏe của con luôn thường trực, nhưng chúng có sự thay đổi theo thời gian.
Vào những năm 1980, các cha mẹ trực thăng chủ yếu quan tâm đến sự an toàn về thể chất của trẻ như bị bắt cóc, mang thai ở tuổi vị thành niên...
Những nỗi lo đó vẫn còn nhưng hiện chúng bị thay thế bởi những lo lắng về sức khỏe tâm thần. Khoảng 3/4 phụ huynh làm khảo sát với Pew cho biết họ lo con mình sẽ phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc bị bắt nạt.
Với cha mẹ thu nhập thấp, cha mẹ gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là cha mẹ nhập cư, họ thường lo lắng về mọi mặt, bao gồm nỗi lo con gặp bạo lực. Thống kê cho thấy cứ 10 phụ huynh gốc Tây Ban Nha lại có 4 người lo lắng con bị có thể bị bắn. Trong khi đó, với phụ huynh thu nhập cao hoặc da trắng, cứ 10 người chỉ có 1 người có nỗi sợ này.
Những nỗi lo về vấn đề kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến phụ huynh. Đối với cha mẹ hiện đại, ưu tiên hàng đầu của họ khi con cái trưởng thành là độc lập tài chính và có thể theo đuổi sự nghiệp yêu thích. 91/10 phụ huynh cho biết đây là những điều rất quan trọng đối với họ.
"Tôi muốn con độc lập, tiết kiệm tiền, đầu tư cho tương lai và quan tâm đến thành công của bản thân chứ không phải thành công của xã hội", một người mẹ 39 tuổi nói.