Làm sách nổi thực hiện Chương trình mới: Hành trình từ trái tim

Hồ Phúc | 09/11/2022, 06:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) đã chủ động chuyển đổi nội dung sách giáo khoa chữ in sang sách chữ nổi (chữ Braille).

Là giáo viên dạy Toán, làm chữ nổi tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2012, thầy giáo Nguyễn Văn Thống có nhiệm vụ chuyển từng trang bản mềm sách giáo khoa sang chữ nổi trước khi đem đi in bằng máy chuyên dụng.

Vừa làm việc thầy Thống vừa nói: “Nhờ có phần mềm chuyển đổi nên công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, mọi người phải đọc lại kỹ để chỉnh lỗi. Thường gặp nhất là sai chính tả hay các công thức Toán, Lý, Hóa. Riêng đối với những trang sách có hình thì công việc phức tạp hơn. Giáo viên sẽ chọn hình có thể chuyển sang tài liệu chữ nổi, thiết kế qua máy tính rồi cắt và dán thành trang có ảnh kèm chữ nổi để tạo phôi, sau đó mang đi ép đóng thành cuốn sách hoàn chỉnh”.

Làm sách nổi thực hiện Chương trình mới: Hành trình từ trái tim ảnh 3

Các thầy giáo tiến hành đóng sách thành từng cuốn.

Trong khi đó, các cô giáo thì cùng nhau làm các hình nổi trong sách môn Sinh học lớp 10 trước khi đem đi in. Các cô dùng thước, bút chì để định vị vị trí sẽ dán hình nổi vào trang phôi sách.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, giáo viên phụ trách khâu dán, cho biết, một buổi cô dán được khoảng 3 đến 4 trang, với những trang hình có nhiều chi tiết và nhiều chữ thì có khi cả buổi chỉ làm được 1 trang do phải liên tục tháo ra rồi làm lại.

Khoảng thời gian đầu làm sách mới chưa có máy móc, các cô phải cắt toàn bộ bằng tay, chi tiết nào cần làm nổi thì cắt nhiều hình dán chồng lên nên mất nhiều thời gian.

“Khó nhất là chuyển từ phần hình ảnh, bảng biểu của sách thành hình nổi. Bởi, không phải hình nào trong sách giáo khoa cũng có thể đưa vào sách nổi được. Chúng tôi phải chọn ảnh cần thiết nhất cho bài học hoặc hình nào mà học sinh khiếm thị sờ vào dễ dàng cảm nhận được. Tôi và mọi người phải chuyển làm sao để học sinh khi sờ vào có thể nhận biết được ý nghĩa của tấm hình ấy và có thể tư duy độc lập. Có những hình phức tạp, phải chuyển thành nhiều phần kèm theo mô tả”, cô Hân chia sẻ.

Trong ba tiếng làm sách vào buổi chiều thứ 6, tuỳ vào tay nghề, độ phức tạp của hình mà mỗi giáo viên làm được từ 2 đến 4 trang. Thậm chí, nhiều giáo viên còn mang về nhà. Thời gian nghỉ hè, họ gần như làm từ sáng đến tối, kể cả cuối tuần. Những trang sách nổi in xong lại được giáo viên cùng học sinh kiểm tra tiếp để xem còn các lỗi như chính tả, thiếu dấu, sai công thức, chữ nổi không đều...

Cô Hân bộc bạch: “Thực sự trong suy nghĩ, chúng tôi phải ráng làm sao để học sinh của mình khi sờ vào trang sách có thể đọc và hiểu được. Thầy cô cũng chỉ mong các em tiếp thu được nhiều kiến thức. Thấy các con học những cuốn sách chữ nổi do chính mình làm ra, mọi người ai cũng thấy hạnh phúc lắm!”.

Thuận lợi trong dạy và học

Làm sách nổi thực hiện Chương trình mới: Hành trình từ trái tim ảnh 4

Giáo viên giảng dạy kiến thức theo Chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh.

Ngày 14/2/2009, bộ sách giáo khoa chữ nổi do các thầy cô Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục “Bộ sách giáo khoa chữ nổi đầu tiên ở Việt Nam”. Trường đã tặng bộ sách này cho các trường khiếm thị của 20 tỉnh, thành.

Khi có bộ sách nổi theo Chương trình GDPT 2018, công việc giảng dạy của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có nhiều thuận lợi, dễ dàng hơn. Trong quá trình dạy, thầy cô sẽ điều chỉnh thêm để phù hợp với học sinh, nhất là những em mới bước vào lớp 1.

Với học sinh tiểu học, thường giáo viên sẽ dạy đồng loạt, một bài cả lớp cùng học, cùng hoàn thành. Tuy nhiên, học sinh ở trường đặc biệt mỗi em một khả năng tiếp thu khác nhau, nên thầy cô dạy theo hướng cá thể. Cùng một lớp, nhưng có em học bài 5, có em vẫn loay hoay làm quen chữ nổi. Có em học 2, 3 năm mới xong lớp 1.

Cô Phạm Thị Thu Vân, giáo viên dạy lớp 1 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phụ trách gần 10 trẻ khiếm thị, cho biết, cô đang cho học sinh làm quen với chữ nổi. Khi các em thuần thục thì việc dạy học chương trình mới cũng sẽ thuận lợi hơn.

Đối với học sinh lớp 1, giai đoạn đầu năm học giáo viên phải hướng dẫn các em sờ được sách giáo khoa chữ nổi, sờ chữ, hình, tìm bài học. Học sinh khiếm thị cần rèn luyện xúc giác để sờ được chữ, có tư duy tưởng tượng tốt mới sờ được hình. Song, nhiều em việc rèn kĩ năng sờ chấm chữ khó khăn vô cùng, bởi khả năng xúc giác không tốt.

“Khi có bộ sách giáo khoa chuyển đổi, công việc cũng thuận lợi hơn, học sinh nhìn vào, sờ vào và nghe cô giáo giảng sẽ hiểu được nội dung của bài học. Dạy học theo cá thể, nên ở trường đặc biệt quan tâm sự tiến bộ của học sinh. Mỗi em là một giáo án riêng”, cô Vân chia sẻ.

Phan Huỳnh Khánh Linh, học sinh lớp 3 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ: “Lúc đầu học sách nổi con cũng bỡ ngỡ lắm, phải mất gần 2 tháng mới quen được. Giờ đây, con đã thông thuộc sách nổi rồi. Nhờ có sách giáo khoa chữ nổi mà chúng con tiếp thu bài nhanh hơn. Các hình ảnh rõ nét, giúp con và các bạn hiểu và vận dụng vào bài tập hiệu quả hơn. Cảm ơn các thầy cô đã làm sách cho chúng con!”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-sach-noi-thuc-hien-chuong-trinh-moi-hanh-trinh-tu-trai-tim-post613418.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-sach-noi-thuc-hien-chuong-trinh-moi-hanh-trinh-tu-trai-tim-post613418.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sách nổi thực hiện Chương trình mới: Hành trình từ trái tim