Lạm thu trong trường học: Công khai có dễ?

16/10/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy định về công khai hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó, có việc công khai lên website nhà trường về vấn đề thu, chi tài chính; chất lượng giáo dục; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục…

Thu chi khó công khai

Dự thảo của Bộ GD&ĐT nhằm thay thế thông tư cùng nội dung năm 2017, nhưng bổ sung một số điều nhằm minh bạch các cam kết, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính... Qua đó nhà trường, giáo viên, người học, gia đình và xã hội tham gia giám sát. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước thanh/kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.

Về công khai các khoàn thu, chi tài chính, thầy Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay nhà trường đã triển khai nội bộ. Dù chưa đưa trên website, nhưng các khoản thu chi trong năm học được trường chia sẻ trên Fanpage, nhóm Zalo, Messenger của các lớp với phụ huynh. Vì thế, sắp tới nếu chuyển sang công khai trên website, thầy Hỷ cho rằng không khó khăn. Điều còn băn khoăn là nội dung các vấn đề tài chính, liệu có được công khai tất cả?

Ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng cho rằng, công khai, minh bạch thu chi trên website chính thức của trường là hợp lý, tạo sự tin tưởng, ủng hộ trong phụ huynh, cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, để triển khai còn nhiều vướng mắc. Ví như, về mặt kỹ thuật, tại huyện Thanh Chương không phải trường nào cũng có website. Nếu có, hằng năm phải mất kinh phí duy trì tên miền, trong khi nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo lại miễn phí, nhiều người sử dụng. Vì thế, lâu nay, các trường công khai vấn đề thu chi tài chính, hoạt động giáo dục trong nhóm Facebook, Zalo. Để chuyển sang trang website chính thống đồng bộ cần thời gian và kinh phí.

Những khoản chi từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục hằng năm cho giáo viên, hoạt động chuyên môn, giáo dục nhà trường… lâu nay chỉ dừng lại ở nội bộ. Việc công khai rộng rãi tới phụ huynh, xã hội không dễ dàng, nhất là liên quan đến quy chế chi tiêu từng cơ quan, đơn vị. Chưa kể, một số vấn đề tài chính mang tính chất bí mật, chỉ công bố, cung cấp khi cơ quan quản lý Nhà nước hoặc đoàn thanh/kiểm tra yêu cầu.

Tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), hầu hết trường học có website, song mạng xã hội phổ biến hơn nên thông tin thường xuyên được cập nhật trên Fanpage của trường, nhóm giáo viên và phụ huynh. Cùng đó, các trường công khai trên bảng tin, nhưng hình thức này không thuận tiện cho việc theo dõi của phụ huynh.

Chia sẻ thông tin, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh đồng thời cho rằng: Công khai trên website là phù hợp, chính thống để phụ huynh, người dân dễ dàng cập nhật, theo dõi. Đây cũng là cách chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục.

Ảnh minh họa ITN. ảnh 1
Ảnh minh họa ITN.

Bảo đảm chất lượng, thực chất

Từ năm 2021, Sở GD&ĐT Nghệ An thí điểm mô hình đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mô hình là hình thức quản lý chất lượng thực hiện trước và trong quá trình giáo dục, bao gồm đảm bảo các yếu tố: Bối cảnh giáo dục, đầu vào tuyển sinh, quá trình dạy và học, đầu ra.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, mỗi nhà trường có thể xây dựng chuẩn đầu ra và cam kết khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm học sinh, năng lực giáo dục và đào tạo... và công khai đối với các cấp quản lý, phụ huynh. Quá trình triển khai, qua kiểm tra, đánh giá kết quả hằng năm, nhà trường có thể điều chỉnh kế hoạch để đạt chuẩn đầu ra hoặc nâng chuẩn.

Đơn cử, sau khi có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sở đã phân tích kỹ bảng điểm, điểm thi từng trường, môn học để đối sánh chất lượng và đăng ký chất lượng của chính trường trước đó. Kết quả phân tích, đối sánh được gửi cho cơ sở giáo dục tự nhìn vào phân tích điểm mạnh, yếu, hạn chế, bất cập, từ đó có giải pháp hiệu quả hơn trong năm học tới.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông đã tiệm cận theo tinh thần dự thảo của Bộ GD&ĐT về công khai chất lượng giáo dục. Dù dự thảo của Bộ chủ yếu hướng tới đào tạo đại học, nhưng tại Nghệ An, khi thực hiện với giáo dục phổ thông cũng đạt chuyển biến tích cực. Biểu hiện rõ nhất là kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh chuyển biến rõ rệt, nâng 14 bậc so với năm trước.

Còn theo bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, công khai chất lượng giáo dục những năm gần đây được phòng triển khai với nhiều hình thức: Công khai chương trình nhà trường, kết quả dạy học, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn… trên website nhà trường, Fanpage và qua các nhóm Zalo, tin nhắn.

“Kết quả học tập của học sinh, chúng tôi không công khai vì liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân nhưng kết quả chung từng lớp cuối năm học, bàn giao chất lượng cho THCS đối với khối 5 thì phòng yêu cầu các trường công khai.

Cùng đó, trường tại TP Vinh đều triển khai sổ liên lạc điện tử với phụ huynh và thông báo vấn đề của học sinh, bao gồm kết quả học tập, các khoản thu chi, đóng qua chuyển khoản không tiền mặt… thông báo trong sổ liên lạc điện tử với phụ huynh học sinh”, bà Thảo nói.

Thời gian qua, TP Vinh còn thí điểm nhiều mô hình, chương trình mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như: Tiếng Anh tăng cường, trường tiên tiến, kỹ năng sống cho học sinh… Các chương trình đều công khai nội dung, lộ trình, kiến thức kỹ năng đạt được qua từng học kỳ, năm hoặc toàn khóa học. Vì thế, theo tinh thần của dự thảo mới, bà Hoàng Thị Phương Thảo cho rằng, công khai chất lượng giáo dục không khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, công khai không nên chỉ dừng lại ở “bảng biểu”. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều hoạt động kiến thức, kỹ năng đánh giá bằng định tính chứ không chỉ định lượng. Ví như kỹ năng, hoạt động trải nghiệm, phẩm chất người học.

Giáo dục có những kết quả không thể thấy sau 1 buổi, kỳ, năm học mà có khi phải đợi nhiều năm sau. Một số vấn đề giáo dục không phải phụ huynh nào cũng hiểu nếu chỉ nhìn vào con số. Vì thế, trong dự thảo nên bổ sung “công cụ” đánh giá chất lượng định tính, để việc đánh giá, công khai chất lượng giáo dục trung thực, khách quan, đầy đủ, toàn diện hơn.

Lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều địa phương cho rằng, việc công khai chất lượng giáo dục phù hợp với thực hiện đổi mới, tăng cường vai trò phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đào tạo. Nhưng nội dung, cách thức, đối tượng cần công khai thế nào để tạo động lực nâng cao chất lượng dạy học, tránh tác dụng ngược, tạo áp lực cho nhà trường, giáo viên, học sinh, chạy theo thành tích.

Bài liên quan
Mẹ ruột tiết lộ lý do Bảo Anh công khai con gái nhỏ
Những tiết lộ của mẹ ruột Bảo Anh về chuyện nữ ca sĩ công khai dung mạo cô công chúa nhỏ 13 tháng tuổi khiến nhiều người bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm thu trong trường học: Công khai có dễ?