Thấy vậy, Đồ Cẩm liền nói: “Nếu không có tiểu sành thì ông cứ kiếm cho tôi một cái nồi đất miệng rộng, đủ để xếp hài cốt vào là được”.
Đến lúc hài cốt được mang đi cải táng chỗ mới thì bỗng trời nổi gió lớn, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước, huyệt mới đào bị lấp đầy nước không sao cải táng được. Con cháu họ Lê Hữu đành tạm đưa hài cốt đến rìa lũy tre làng đợi hết mưa sẽ tiếp tục.
Khi mưa tạnh, mọi người tiếp tục công việc thì phát hiện xung quanh chỗ hài cốt đó mối đã đùn lên lấp cao. Bởi vì tin rằng đây là ý trời, nên con cháu quyết định cứ thế đắp thành mộ chứ không táng vào chỗ đất mà ông Đồ Cẩm đã chọn.
Ông Đồ Cẩm sau khi đến xem xét sự lạ thì thốt lên rằng: “Ngôi mộ thiên táng này quả là vô cùng hiếm gặp. Ba mặt Bắc, Tây, Đông của làng này đều có con sông uốn quanh trông hình tựa một trái hồ lô lớn. Nồi hài cốt đã được đặt vào nơi huyệt kết, là kiểu đất “Ngôn kỳ đại thế”, lại dựa vào thế đất hồ lô nên long mạch táng ở đáy.
Kết cục, thế đất có hình thiên mã, có ngựa lớn, ngựa nhỏ chầu về. Bên ngoài thì có kim quy ngưỡng ngọa, bên trong thì có thượng thư án, bên thì tả tượng, bên thì hữu mã cùng chầu. Cứ theo thế đất này thì con cháu dòng họ Lê Hữu sẽ được đinh tài lưỡng vượng, học hành đỗ đạt cao. Họ của ông sẽ trở thành dòng họ quý tộc, chí bách dư niên (phát kết trên 100 năm)”.
Quả nhiên, dòng họ Lê Hữu bắt đầu phát đường khoa bảng. Người khai khoa của dòng họ là con trai cả của ông Lê Hữu Dụng là Lê Hữu Thời. Ông Thời đỗ kỳ thi Hương, vào thi Hội đỗ qua tam trường, được bổ nhiệm làm Tri huyện Chí Linh. Người con thứ của ông Dụng là Lê Hữu Danh đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1670.
Chuyện ông Lê Hữu Danh cũng khá ly kỳ. Sau khi đỗ đạt, Lê Hữu Danh vinh quy bái tổ về làng, cờ lọng uy nghiêm, quân lính chỉnh tề hộ tống. Người hai bên đường ra xem mặt Hoàng giáp rất đông, nhưng có một người con gái cứ đi giữa đường như không thấy chuyện gì. Lính đến dẹp đường, cô gái nói: “Đấy Hoàng giáp thì đây cũng một tổ tiến sĩ”.
Lê Hữu Danh nghe thế thì gặng hỏi, mới biết cô này là Dương Thị Duệ (người thôn Ngọc Quá, xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh - nay thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên), cháu gái quan Thượng thư Dương Hồ, cháu ngoại của cụ Phạm Công Trứ – Tể tướng đương triều.
Nghĩ mình gặp cô gái này hẳn là duyên, Lê Hữu Danh xuống kiệu, tìm vào nhà quan Thượng thư Dương Hồ kể chuyện và ngỏ lời xin được kết duyên. Dương công cũng cho là duyên phận, liền đồng ý gả cháu gái cho Lê Hữu Danh.
Quê hương Hải Thượng Lãn Ông
Lê Hữu Danh làm quan đến chức Hiến sát sứ, khi mất được phong Tả thị lang, tước Văn Uyên bá. Ông có 10 người con, trong đó 3 con đỗ tiến sĩ. Trong đó, có Lê Hữu Mưu – người con thứ 9. Năm Canh Dần (1710), ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, làm đến Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Công rồi giảng sách ở tòa Kinh diên. Sau được tặng Tả thị lang, phong tước Phu Đình bá.
Lê Hữu Mưu có tiếng văn thơ, tài đức được sĩ phu đương thời kính trọng. Người con thứ 7 của ông chính là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - về sau được nhân dân xưng tụng là Tổ sư Đông y Việt Nam.
Nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” đã viết về 5 ân điển mà nhà Lê trung hưng ban cho các tân tiến sĩ. Trong đó có ân điển “dân làng trước hết phải dựng phủ đệ cho tiến sĩ”. Các vị đại khoa của dòng họ Lê Hữu không chỉ có phủ đệ riêng, mà còn quy tụ thành một “nhà tiến sĩ”. Đáng chú ý, nhà thờ Tiến sĩ ấy vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay.
Tại Di tích nhà thờ Tiến sĩ dòng họ Lê Hữu còn lưu giữ tấm bia “Lê triều Lê Tướng công mộ chí”. Bia tạo dựng năm 1738, do người cháu tiến sĩ họ Dương chấp bút, nội dung ghi lại một thời gian khổ, quyết chí học tập của các vị đại khoa họ Lê Hữu. Tấm bia bốn mặt tái hiện truyền thống hiếu học của một gia đình khoa bảng, văn nhân, sống đông vui hòa hợp. Mọi thành viên có hướng đi lập thân lập nghiệp riêng cho mình, góp sức làm vững bền gia thế, rạng rỡ quê hương.
Nằm ở xóm Văn Xá - trung tâm thôn Liêu Xá, gần nhà thờ Đại tôn Lê Hữu. Theo gia phả, nhà thờ Tiến sĩ được dựng từ nửa cuối thế kỷ 17 và đã được tu sửa nhiều lần. Trên cổng nhà thờ còn rõ đại tự “Tiến sĩ môn”, cùng đôi câu đối ca ngợi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Hiển đạt Đông y danh quốc sử/ Lưu truyền Nam dược tế dân sinh (Làm rạng rỡ khoa thuốc phương Đông để tên tuổi trong quốc sử/ Lưu truyền lại ngành thuốc Nam cứu độ cuộc sống nhân dân).