Lấp khoảng trống giữa hai chương trình

19/06/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài thay đổi về môi trường, phương pháp học, học sinh lên lớp 6 và 10 hiện nay gặp không ít khó khăn khi bắt nhịp với Chương trình GDPT 2018.

Do đó, ngoài bồi dưỡng cho giáo viên cập nhật chương trình mới, lứa học sinh chuyển giao giữa 2 chương trình cũng cần được bổ túc thêm.

Học nghe, học viết

Ngay từ cuộc họp phụ huynh đầu năm học, với khối lớp 5, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã thống nhất với giáo viên chủ nhiệm sẽ giới thiệu với phụ huynh về Chương trình, sách giáo khoa mới của lớp 6.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, một số nội dung trước đây được tinh giản thì nay được bổ sung để học sinh đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6. Chẳng hạn, môn Tiếng Việt, trước đây chỉ có kỹ năng nghe - viết, nhìn - viết thì nay có thêm kỹ năng tự viết. Các em sẽ viết tóm tắt hoặc cảm nhận của mình về một câu chuyện, một bài tập đọc...

“Với học trò, sẽ không có sự phân biệt giữa chương trình cũ và chương trình mới, thầy cô dạy thế nào thì các em sẽ học như thế. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn để học sinh chương trình cũ bắt nhịp với chương trình mới. Chính sự lo lắng, căng thẳng của phụ huynh mới tạo áp lực cho học sinh khi chuyển tiếp giữa hai chương trình”, cô Thu Nguyệt nhận xét.

Ngoài ra, tuần cuối năm học và trong hoạt động câu lạc bộ dịp hè, giáo viên lớp 5 sẽ giới thiệu về việc thay đổi chương trình ở lớp 6. Học sinh được chuẩn bị tâm thế, phẩm chất và một số năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu học lớp 6 chương trình mới, theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Thu Hà (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thì lại lo ngại về sự thích nghi của con khi lên lớp 6 học theo Chương trình, sách giáo khoa mới. “Theo tìm hiểu của gia đình, lớp 6 sẽ có nhiều môn học, mỗi môn học do một thầy/cô giáo đứng lớp. Có những môn học tại phòng bộ môn, học sinh phải làm thí nghiệm, số lượng các bài kiểm tra cũng nhiều hơn ở bậc tiểu học. Tôi lo con sẽ bị choáng với lượng kiến thức quá nhiều trong một buổi học”, chị Hà cho biết.

Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh, cô Nguyễn Thị Thu Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nhìn nhận, hầu hết học sinh lớp 6 sẽ gặp khó khăn khi vừa theo dõi thầy, cô giáo giảng bài vừa ghi chép nội dung bài học vào vở. “Thường thì sau 2 tuần, các em sẽ quen dần với cách vừa nghe giảng vừa ghi chép vào vở học. Để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên phải tỉ mỉ khi hướng dẫn phương pháp học ở tiết học đầu tiên của mỗi môn học”, cô Sương nói.

Lấp khoảng trống giữa hai chương trình  ảnh 1

Học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022 – 2023.

Cầu nối để trò bớt bỡ ngỡ

Chương trình, sách giáo khoa môn Hóa học lớp 10 có nhiều nội dung thay đổi so với Chương trình 2006. Trong đó, nổi bật nhất là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, oxit, axit, bazo, muối… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo pháp danh IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.

Cô Lê Thị Kim Bông, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Hóa học, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), nhận xét: Thay đổi này là mới mẻ nhưng một số giáo viên THCS đã chủ động cung cấp trước thông tin đổi mới chương trình cho học sinh nên các em không quá bỡ ngỡ.

Với môn Hóa học lớp 10, Tổ Hóa học Trường THPT Bình Sơn, trong 2 tiết nhập môn, ngoài giới thiệu chương trình, phương pháp học theo yêu cầu chung, còn biên soạn bổ sung thêm một số nội dung. Trong đó có phần so sánh giữa Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018, bảng đọc tên, một số thay đổi như điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện chuẩn… Học sinh đều được gửi file vào nhóm lớp để tiện theo dõi trong quá trình học.

Trải qua năm học đầu tiên với chương trình mới, Lê Đoàn Hương Giang, học sinh Trường THPT Bình Sơn, nhận thấy việc thay đổi cách đọc tên các nguyên tố Hóa học từ tiếng Việt sang tiếng Anh không quá khó để học sinh thích nghi. Vì những bạn chọn Hóa là môn học lựa chọn để tuyển sinh đại học sau này đều có sự đầu tư nhất định. Khác biệt cơ bản nhất với môn Hóa lớp 10 là chúng em được làm nhiều thí nghiệm. Sau mỗi thí nghiệm, mỗi nhóm đều phải viết báo cáo thu hoạch. Do vậy, quá trình chuẩn bị bài trước các tiết học rất quan trọng. Học sinh cần chủ động tự học mới có thể nắm được tốt bài học.

“Thay vì ngày tựu trường chúng em mới gặp mặt bạn bè, thầy cô thì giữa tháng 8 cô chủ nhiệm đã lập nhóm Zalo chung. Nhóm như lớp học ảo để làm quen với các thành viên trong lớp. Cô chủ nhiệm cũng giới thiệu về môn học, tài liệu cần có/tham khảo và hướng dẫn phương pháp học kèm vài câu đố vui... Nhờ đó, mọi bỡ ngỡ của học sinh đầu cấp đều được giải tỏa trong ngày đầu đến lớp”, Hương Giang kể.

Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) sau khi công bố danh sách lớp 6 đã có một buổi chia sẻ với phụ huynh, học sinh về những thay đổi trong phương pháp học tập ở bậc THCS so với tiểu học; các bài kiểm tra trong năm học, mức độ kiểm tra, hình thức kiểm tra, đánh giá môn học, phương pháp tổ chức dạy học… để học sinh chuẩn bị tốt tâm thế trước khi vào năm học chính thức.

“Những điểm mới của Chương trình, sách giáo khoa mới lớp 6, yêu cầu của chương trình đối với phụ huynh, những điểm nhà trường cần gia đình hỗ trợ… sẽ được truyền thông kỹ từ trung tuần tháng 8 để có những chuẩn bị tốt nhất nhằm bắt nhịp với những đổi mới ở lớp 6”, thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu thông tin.

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới, trước ngày tựu trường, Trường THPT Nguyễn Trãi (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tổ chức trải nghiệm STEM cho học sinh trúng tuyển lớp 10. Qua nội dung hoạt động, các em hiểu thêm về học theo hướng trải nghiệm thực tế, làm việc theo nhóm, tổ chức thuyết trình, học dựa trên dự án… Năm nay, sau khi hoàn tất việc nhận hồ sơ nhập học, câu lạc bộ STEM của nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động trên để trò không quá bỡ ngỡ khi học tại trường mới, bạn mới và nhiều yêu cầu mới…

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, ở lớp 5, học sinh đã làm quen với một số thí nghiệm đơn giản hoặc quan sát bằng mô hình thí nghiệm ảo nên không quá mới mẻ. Các trường tiểu học đã chuyển sang dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh từ nhiều năm nay nên không có sự chênh lệch nhiều so với THCS. Các em quen với làm việc theo nhóm, tổ chức thuyết trình, học trải nghiệm… khi tham gia câu lạc bộ hè tại trường, nhờ đó giảm đi sự bỡ ngỡ khi chuyển lên cấp THCS.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấp khoảng trống giữa hai chương trình