Theo ThS Nguyễn Quốc Anh, Học viện Đổi mới Sáng tạo (Đại học Quốc gia Ireland), trong những năm gần đây, khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam. Không ít ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu.
Thực tế, một vài ý tưởng và mô hình khởi nghiệp của các thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng. Nhiều ý tưởng gặt hái được những thành công bước đầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng này thường chỉ là vô cùng thấp và nhiều rủi ro. Theo thống kê, thường chỉ là 5 - 10% doanh nghiệp tồn tại được sau 3 - 5 năm hoạt động.
Năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 140 không gian sáng tạo về nghệ thuật đến nay, hầu hết đã dừng hoạt động. Tuy đã xuất hiện thêm nhưng theo dự đoán, số start-up này có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng một thời gian ngắn.
Theo ông Quốc Anh, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như do ý tưởng và mô hình kinh doanh chưa phù hợp, trình độ quản lý còn non yếu, thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh. Đồng thời chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ít mối quan hệ hợp tác kinh doanh, thiếu trải nghiệm thực tế..., còn nhiều nguyên nhân khách quan khác.
Đó là hệ thống chính sách, pháp luật dành cho khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa chưa hoàn thiện. Hiện, chưa có chính sách ưu đãi đặc thù đối với loại hình khởi nghiệp từ văn hóa. Mặc dù thực tế cho thấy, đây là lĩnh vực chậm sinh lời và nhiều phiêu lưu, mạo hiểm so với các lĩnh vực khởi nghiệp khác.
Tiếp đến, khả năng tiếp cận vốn của thanh niên khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa còn rất hạn chế. Ngoài gia đình và bạn bè, những người trẻ thường không thể tiếp cận các kênh vay vốn khác như các “nhà đầu tư thiên thần”, ngân hàng, hay quỹ tín dụng. Bởi họ còn trẻ, ít kinh nghiệm và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa thường có tỷ lệ rủi ro cao.
Bên cạnh đó, các khung chương trình đào tạo đại học chưa chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học. Đặc biệt là người học các ngành văn hóa và nghệ thuật.
Hiện, hầu hết các chương trình đào tạo đều xác định chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với chuyên môn nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp phần đông chọn con đường đi tìm việc làm. Số ít muốn tự mình khởi nghiệp thì lúng túng vì chưa được đào tạo bài bản và ít am hiểu về thị trường. Trước thực tế này, vài năm trở lại đây, một số cơ sở đào tạo đã đưa thêm học phần khởi nghiệp vào khung chương trình, song vẫn chưa phổ biến.
TS Tạ Thị Bích Ngọc cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt đối với hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa. Cùng với đó là tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho cộng đồng khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh khởi nghiệp.
Ngoài ra, cần rà soát hệ thống pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường thực thi các quy định nhằm làm lành mạnh hóa thị trường văn hóa nghệ thuật. Đồng thời củng cố niềm tin của những người làm công việc dựa trên sự sáng tạo.