Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cần minh bạch, khách quan

Hồ Phúc | 24/02/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay giữa nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng, hiệu phó, không đợi đến hết nhiệm kỳ.

Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cần minh bạch, khách quan ảnh 1

Lãnh đạo UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TP trao quyết định bổ nhiệm cho 3 ứng viên trúng tuyển vị trí hiệu phó sau quá trình thi tuyển.

“Việc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ giúp cán bộ quản lý biết lắng nghe góp ý của giáo viên, từ đó điều chỉnh hành vi, thái độ và năng lực của mình. Đặc biệt, nếu đưa ra quy định này cán bộ quản lý sẽ tự điều chỉnh mình về mọi mặt. Bởi nếu bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tức là người có vấn đề, sẽ mất uy tín… Điều quan trọng, ai sẽ nêu ra những mặt tiêu cực của cán bộ quản lý đó để đem ra bỏ phiếu. Vì vậy giáo viên phải thật sự mạnh dạn, thẳng thắn góp ý và bỏ phiếu đúng, không được có tình trạng góp ý một đằng, bỏ phiếu một nẻo”, bà Hà chia sẻ.

Còn ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM), chia sẻ: “Thực tế cán bộ quản lý, đặc biệt hiệu trưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rất vất vả. Một hiệu trưởng làm việc công tâm, hết lòng hết sức không dễ dàng. Việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để cán bộ biết được uy tín của mình đang ở mức độ nào, qua đó khắc phục những hạn chế, phấn đấu để tốt hơn”.

Tuy nhiên theo ông Điệp, đối với việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ thì phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn như: Tiêu chí thực hiện kế hoạch năm học quản lý nhà trường, tiêu chí quản lý chuyên môn, tiêu chí về kết quả học tập của học sinh… để hội đồng nhà trường đánh giá. Nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể mà bỏ phiếu chung chung dễ sinh ra cảm tính thù ghét, hiệu quả không cao. Từ đó làm cho người hiệu trưởng quản lý nhà trường cảm thấy rụt rè, sợ mất lòng.

“Việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ đối với những cán bộ quản lý có vấn đề sẽ giúp cho hiệu trưởng, hiệu phó nhận thức về công việc của mình. Kịp thời điều chỉnh nếu có những sai phạm mà do chủ quan chưa thấy hết. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm cần làm thực chất, khách quan. Đặc biệt, những cán bộ, giáo viên chủ chốt bỏ phiếu cũng phải phát huy dân chủ, tính giám sát, đánh giá khách quan, được thể hiện tiếng nói, tín nhiệm của mình với lãnh đạo”, ông Điệp nhấn mạnh.

Cô Phương Ngọc, giáo viên một trường THPT của Quận 4, chia sẻ: “Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng được xem như ‘đầu tàu’, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu nhà trường. Là tổ trưởng chuyên môn nên mỗi đợt bỏ phiếu tín nhiệm tôi luôn công tâm trong việc nhận xét, đánh giá cũng như có trách nhiệm với lá phiếu của mình.

Với những cán bộ quản lý điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài… ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và ngành Giáo dục thì việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ rất hợp lý. Việc này sẽ giúp cán bộ quản lý biết được hạn chế bản thân, từ đó đồng hành cùng giáo viên thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đã đề ra”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lay-phieu-tin-nhiem-giua-nhiem-ky-can-minh-bach-khach-quan-post627404.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lay-phieu-tin-nhiem-giua-nhiem-ky-can-minh-bach-khach-quan-post627404.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cần minh bạch, khách quan