Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh. Tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời học sinh thuộc gia đình chính sách, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; cán bộ, giáo viên và học sinh có người thân đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo biên giới của Tổ quốc; cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác và đã nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không được sử dụng các tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị để phục vụ nhu cầu riêng cho cá nhân, gia đình; không đi lễ hội trong giờ hành chính, không tổ chức chúc Tết tại cơ quan, thăm tặng quà cấp trên.
Không để học sinh bỏ học sau Tết
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh.
Đối với học sinh nghèo, khó khăn cần huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các em trong dịp Tết, không được để cho học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Đối với học sinh cá biệt, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm liên hệ trực tiếp với gia đình học sinh, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng chức năng ở địa phương trong dịp Tết để phối hợp quản lý giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục, tổ chức cho học sinh vui Xuân lành mạnh gắn với việc hướng dẫn các em dành thời gian thích hợp để tự học trong thời gian nghỉ Tết.
Sau thời gian nghỉ Tết, trở lại công tác, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải trực tiếp chỉ đạo việc rà soát sĩ số học sinh. Nếu có học sinh bỏ học cần kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức vận động, giúp đỡ để học sinh tiếp tục đến trường.