Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Ông Hổ - Biểu tượng của quyền lực và sức mạnh

Hà Thuỷ (t/h) {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Trong tâm thức dân gian, Hổ là loài vật biểu tượng của quyền lực, có sức mạnh chinh phục muôn loài nên được biểu trưng hoá thành biểu tượng của quyền uy, sức mạnh.

h1.jpg
Linh vật của Việt Nam: Ông Hổ - Biểu tượng của quyền lực, sức mạnh.

Thần Hổ - Ông ba mươi, chúa tể sơn lâm

Từ xưa, hổ vẫn luôn được con người kiêng nể và kính trọng. Hổ là biểu trưng cho sức mạnh và quyền uy to lớn của thiên nhiên.

Hổ được người dân thờ trong các khu kiến trúc cổ, các miếu, đình thờ và có vị trí ở ngay bên dưới ban thờ Thánh hoặc thờ Phật.

Trong điện thờ Mẫu thường có ban thờ Ngũ Hổ với 5 màu vàng, xanh, trắng, đỏ, đen tượng trưng cho Ngũ hành, trấn giữ 5 phương. Thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần, có bàn thờ riêng với một số nghi thức, nghi lễ đặc trưng.

Tục thờ cúng Thần hổ của người Việt có nguồn gốc sâu sa từ việc con người sợ hãi những loài động vật có quyền uy. Đến nay, một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam như họ Hoàng, Lường, Lộc của người Thái coi hổ là vật tổ. Một số dân tộc như Khơ mú (Tây Bắc, miền tây Nghệ An), Tà Ôi (vùng núi phía tây miền Trung), Cor (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi)… cũng thờ hổ là vật tổ.

Một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Con người đã thần thánh hoá vai trò của hổ tạo nên biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng. Người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ), có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè… kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, ăn thịt hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ Mú khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người chết một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là trở về với tổ tiên.

Ở một số gia đình Việt cổ treo tranh ngũ hổ trong nhà như một lá bùa trấn tà ma. Tranh hổ thường được treo chính giữa gian thờ hoặc dưới ban thờ thần thổ công.

Ngoài ra, việc thờ thần hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh.

h2.jpg

Hình tượng Hổ trong văn hoá dân gian Việt Nam

Ở Việt Nam, dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Việt. Hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song, là chúa sơn lâm.

Hổ cũng là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cùng diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt.

Trong tiến trình phát triển văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện với nhiều biến thể đa dạng, phong phú trên các loại hình, chất liệu khác nhau từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Hổ cũng là linh vật trấn giữ đền, miếu, tam quan, đứng bên các trục thần đạo trong lăng mộ.

Trên những chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm tuổi cũng xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy, quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của hổ cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này.

Trong các triều đại phong kiến, Rồng và Hổ là biểu trưng của vương quyền. Hổ cũng được thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa. Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh của dân gian truyền thống.

Người Việt có 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại và trong các tác phẩm mỹ thuật.

Khi nói về người có hình tướng tốt, khoẻ mạnh tài giỏi người ta dùng câu “mình hổ, tay vượn”. Ca ngợi tình nghĩa sâu nặng của cha mẹ với con cái, dân gian có câu “hùm dữ không ăn thịt con”. Để khuyên răn người ta phải tu nhân tích đức, xử thế phải đạo, có câu “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”.

Bức tranh Ngũ hổ (còn gọi là tranh ông Năm Dinh) thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống, khắc hoạ hình tượng ngũ hổ và sau được kết hợp độc đáo trong bản điện thờ tín ngưỡng tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.

Tượng hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong điêu khắc đá cổ Việt Nam. Hình ảnh hổ cũng được thể hiện trên một số cổ vật bằng đồng và gốm sứ.

Trong nghệ thuật múa, điệu múa “Long hổ hội” là đỉnh cao nghệ thuật múa của nghệ nhân cung đình Huế. Bên cạnh đó, hầu đồng, một trong nghi lễ thờ tam, tứ phủ cũng có giá đồng hầu ngũ hổ, thể hiện rất rõ sức mạnh thần hổ trong dân gian.

Bài liên quan
Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P1)
(GDTĐ) - Linh vật của Việt Nam rất phong phú, là một phần không thể tách rời trong văn hóa truyền thống. Từ xa xưa, con Rồng đã có trong tâm thức người Việt với nhiều truyền thuyết linh thiêng mang ý nghĩa lớn lao về vũ trụ và nhân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Ông Hổ - Biểu tượng của quyền lực và sức mạnh