Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Phượng hoàng - Biểu trưng cho sự phục sinh, bất tử (P1)

Hà Thuỷ (T/h) 06/01/2024 06:32

Truyền thuyết kể rằng, khi chim Phượng sắp chết, nó đã tự làm một cái tổ bằng những nhánh cây có hương thơm và tự thiêu giống như mặt trời đi vào bóng đêm rồi lại sinh ra - chim Phượng vì thế trở thành biểu tượng cho sự phục sinh, bất tử.

linh-vat-phuong.jpg
Linh vật của Việt Nam: Phượng hoàng - biểu trưng cho sự phục sinh, bất tử

Loài chim huyền thoại

Phượng hoàng là một loài chim huyền thoại, có nguồn gốc từ Éthiopie, có vẻ đẹp rực rỡ vô song, sống lâu khác thường và có được phép màu sau khi đã tự thiêu trên giàn lửa rồi lại tái sinh.

Trong truyền thống Á Đông, chim phượng được coi là có “cái mỏ của gà mái, cổ của rắn, trán của chim én, lưng của rùa và đuôi của cá”. Là con vật không có thực nhưng chim phượng được coi là hội tụ vẻ đẹp, sức mạnh của một số thần thú khác để đề cao tính linh thiêng, màu nhiệm.

Nó trở thành biểu tượng của tầng trên/bầu trời, của nguồn sinh lực thiêng liêng, hiện thân thánh nhân/người tài… là biểu hiện cho ước vọng của người Việt trong mối quan hệ với thần linh và với ước vọng cầu phúc.

Nếu như rồng được xem là đứng đầu trong các loài bò sát, biểu tượng của sự sinh sôi, của phương Đông, của mùa Xuân thì chim phượng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài lông vũ, là biểu tượng của mặt trời, lửa, phương Nam, mùa Hạ. Chỉ xuất hiện ở thời bình thịnh trị và ẩn mình khi có loạn lạc, do đó, chim phượng hoàng được coi là biểu tượng của ước vọng thái bình.

Trong Hoàng cung, hình ảnh chim phượng như là sự tán dương thêm vào niềm kiều hãnh của hoàng đế. Ý rằng, thời hoàng kim yên bình nên có chim phượng xuất hiện. Chim phượng thường được thể hiện đứng trên những cuộn sóng biển đầy uy lực siêu nhiên.

Trong suốt các triều đại, Phượng hoàng vẫn luôn là biểu tượng của đạo đức tốt lành và sự thông thái. Không chỉ vậy, bộ lông sặc sỡ của Phượng hoàng với 5 màu cơ bản là xanh lá cây, đỏ, trắng, đen, vàng, lần lượt đối ứng với 5 giá trị của Nho giáo là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Từ các tác động mạnh mẽ của tự nhiên đối với các nguyên tắc đạo đức truyền thống trong cuộc sống quanh ta, cho tới các tầng trời xa xôi, Phượng hoàng kết nối tất cả chúng lại như một biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, và thần thánh.

Tiếng hót của chim Phượng xướng hết tất cả ngũ âm, bộ lông ngũ sắc, thân chim như bao quát hết lục hình, đầu chim tượng trưng cho bầu trời, mắt tượng cho mặt trời, lưng cho mặt trăng, đôi cánh cho gió, đôi chân cho mặt đất và đuôi cho các hành tinh, 9 chòm lông vũ hay đức tính biến phượng thành chúa tể của bầu trời.

linh-vat-phuong-2.jpg

Linh vật chim phượng trong tâm thức người Việt

Trong hoàng thành Huế, lầu trên của Ngọ Môn - cửa chính quan trọng nhất của hoàng thành được gọi tên là Lầu Ngũ phụng - tựa như năm con chim phượng tung cánh trên nền trời.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ không chỉ đưa ra những quy chế chặt chẽ về việc sử dụng hình tượng rồng cho vua mà còn có những định chế về trang phục sử dụng hình tượng phượng hoàng cho nữ nhân hoàng tộc như: Áo của hoàng hậu (hoàng quý phi) mặc trong các dịp lễ Tết gọi là phụng bào, lớp ngoài thêu hình tam phụng, hai tay áo thêu 2 con chim phượng đang bay.

Áo đại triều của công chúa thân áo thêu 13 hình chim loan (chim phượng được giản lược) cuộn tròn. Trên viền cổ áo thêu hình 5 chim phượng trong đồ án ngũ phụng tề phi. Mũ của hoàng thái hậu thêu 9 con phượng, mũ của cung giai thì tuỳ theo thứ bậc mà có từ 1 đến 7 chim phượng.

Trong từ “phụng hoàng” hay “loan phụng”, chữ “phụng” (phượng) là tên gọi của con chim phượng trống, chữ “hoàng” và chữ “loan” đều là từ chỉ con chim phượng mái.

Trong tâm thức của người Việt, chim phượng là sự kết đôi giữa đàn ông và đàn bà qua việc kết hôn. Câu “tiên sa, phụng lộn” nghĩa là: Chồng là “tiên”, “bất tử” giáng trần kết hôn với vợ là chim phượng. Hình ảnh “loan phượng” là lời chúc đồng thời như là sự đảm bảo cho sự gắn bó trong đời sống gia đình.

Hình ảnh rồng kết đôi với chim phượng, cả hai bọc quanh chữ hỉ, vẽ đôi, hay hai chữ hỉ kết lại với nhau cũng là tượng trưng cho hạnh phúc vợ chồng.

Hình tượng chim Phượng xuất hiện ở đền vua Đinh, vua Lê là hình đôi phượng nằm ở trung tâm của viên gạch nền nhà, bố cục theo vòng tròn, trong tư thế múa lượn, đuổi nhau theo chiều quay của kim đồng hồ.

Chim Phượng có mỏ quặp giống vẹt, từ mang bay ra các sợi lông mềm mại, cổ dài, thân hơi uốn cong theo thế lượn, hai cánh dang rộng, chùm lông đuôi có nhiều tua dài ngắn khác nhau hợp thành.

Thời Lý, chim Phượng thường có bố cục chặt chẽ. Phượng đôi được thể hiện đối xứng trong lòng chiếc lá đề lớn và cùng nâng một lá đề nhỏ. Phượng đơn xuất hiện dưới dạng lá đề lệch. Lá đề vốn là biểu tượng linh thiêng của đạo pháp.

Có nhà nghiên cứu cho rằng chim Phượng có thể là chim Ka Lăng Tần Già, chim Cọng Mạng… loài chim thiêng biết dùng giọng hót điều hoà để giảng về những giáo lý nhà Phật.

Thời Trần, Phượng hoàng vẫn được thể hiện với các đồ án trong lá đề, đặc biệt có trang trí phượng đôi chầu hoa cúc (Hoàng thành Thăng Long) và nhất là sự xuất hiện của hình tượng phượng cõng nhạc công thiên thần/Gandharva (chùa Thái Lạc).

Cùng với Rồng, chim Phượng hoàng là linh vật có tần suất xuất hiện dày đặc trong các di tích, thể hiện ước mong về sự thái bình và trường tồn.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P1)
(GDTĐ) - Linh vật của Việt Nam rất phong phú, là một phần không thể tách rời trong văn hóa truyền thống. Từ xa xưa, con Rồng đã có trong tâm thức người Việt với nhiều truyền thuyết linh thiêng mang ý nghĩa lớn lao về vũ trụ và nhân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Phượng hoàng - Biểu trưng cho sự phục sinh, bất tử (P1)