Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P2)

Hà Thuỷ (T/h) 29/12/2023 06:30

Người phương Đông lấy 12 con vật để gọi tên cho 12 năm. Và Rồng là con vật thần thoại, được gắn với biểu tượng của uy quyền, vua chúa. Tuy nhiên, dân gian vẫn sử dụng biểu tượng Rồng với mong muốn về sự phồn thịnh, may mắn và hạnh phúc.

dam-ruoc-rong-tranh-dong-ho.jpeg
Đám rước Rồng - Tranh Đông Hồ.

Những huyền tích dân gian về Rồng

Con rồng trong dân gian gắn với cội nguồn nòi giống trong sự tích “Con rồng cháu tiên”. Tổ tiên dân tộc Việt xuất phát từ Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy bà Âu Cơ (vốn là tiên). Bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con Năm mươi con theo mẹ lên non, Năm mươi con theo cha xuống miền biển hình thành lên dòng giống dân tộc Việt. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm Hùng Vương. Trải qua mười tám đời Vua, nước Văn Lang ngày càng phát triển cho đến khi đất nước bị mất vào tay của Triệu Đà với sự tích “Trọng Thuỷ - Mỵ Châu”.

Qua gần một nghìn năm bị các triều đình phong kiến Trung Hoa cai trị, dân tộc Việt không ngừng đấu tranh giành lại độc lập. Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở đầu kỷ nguyên độc lập. Triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… mở mang bờ cõi, xây dựng và bảo vệ đất nước tự chủ. Hình tượng con rồng vẫn tồn tại và biến đổi tuỳ theo vận nước.

Nhìn từ góc độ văn hoá, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

Trong kinh Phật, rồng xuất hiện trong huyền tích Thiên Long Bát bộ gồm Trời, Rồng, Dạ Xoa, Cán Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia. Rồng là chúa tể các loài trong nước. Một lần, khi Phật đang nhập định thì trời nổi giông bão, mưa to gió lớn, một con rắn khổng lồ tên là Mucilinda cuộn thành một tán lớn để che chở Đức Phật. Khi Đức Phật giảng kinh Diệu pháp Liên hoa, trong hàng nghìn nghìn đại chúng, thiên, nhơn, phi nhơn đến câu hội có tám vị vua rồng là Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương, Sa Da La Long Vương, Hoa Tu Cát Long Vương, Đức Xoa Ca Long Vương, A Na Bà Đạt Da Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Ưu Bát La Long Vương.

linh-vat-rong-tai-duong-hoa-nguyen-hue-.jpeg
Linh vật Rồng tại Đường Hoa Nguyễn Huệ - TP. Hồ Chí Minh.

Hình tượng Rồng trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ

Để tôn vinh uy quyền độc tôn về Rồng, nhà vua đã cấm người dân vẽ, khắc, chạm hình Rồng nơi nhà cửa, đồ dùng của người dân. Nhưng sức mạnh của sự tôn kính, tin tưởng, ngưỡng vọng, mong ước về Rồng của dân gian đã khiến cho hình ảnh Rồng xuất hiện ở trong đời sống của lớp người bình dân thông qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, phong tục của người Việt.

Với ước vọng của con người, Rồng còn có nghĩa tượng trưng cho sức khoẻ phi thường, cao lớn, qua các thành ngữ như: “Phủ Đầu Rồng”, “Ăn như Rồng cuốn”.

Với ước vọng về sự cao quý, hướng tới ước mơ hoá rồng, gần rồng, ca dao có câu: “Một ngày tựa mạn thuyền rồng - Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài” thể hiện ham muốn được nương tựa bậc quyền uy, vua chúa.

Thế rồi “Trứng rồng tưởng nở ra rồng - Ai ngờ lại nở ra dòng liu điu” – Thể hiện sự thất vọng khi con cháu vua chúa lại bất tài, ngu dốt, thậm chí còn là hôn quân bạo chúa (liu điu là loài rắn nước tầm thường).

Hình tượng Rồng, cao quý hơn nữa là “Rồng vàng” được dùng để chỉ những người tài ba, xuất chúng, có tài kinh bang tế thế: “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bựi Hữu Nghĩa nhị Phan Tuẫn thần”, ca ngợi hai người anh hùng, hai bậc hào kiệt của vùng đất Vĩnh Long.

Dân gian cũng mượn chuyện rồng để nói đến sự khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân như trong câu:

“Chín cột anh chạm chín rồng

Nơi thì rồng ấp, nơi thì rồng leo

Chín cột anh chạm chín mèo

Con thì bắt chuột con leo xà nhà”

Rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ mượn hình ảnh con rồng để nói về vận hội, cơ may của con người.

“Rồng mây gặp hội”, chỉ những người học trò gặp kỳ thi để đỗ đạt.

“Long vân khánh hội” chỉ 3 trường hợp: Người học trò đi thi đỗ đạt; Vua sang gặp tôi hiền; Nghiệp đế vương.

“Mây tòng long, phong tòng hổ” nghĩa là mây theo rồng, gió theo hổ. Thời cơ, vận hội đến với anh hùng, hào kiệt và những người có chí khí.

“Long hành, hổ bộ” nghĩa là đi như rồng, bước đi như hổ, chỉ những người có phong thái của bậc đế vương.

“Rồng bay phượng múa” chỉ người tài hoa, có cách viết phóng khoáng, khoa trương.

“Trổ rồng, chạm phương” nghĩa là chạm khắc hình con rồng, con phượng, tô điểm tinh xảo, đẹp mắt.

“Rồng chầu mặt nguyệt” hay “Lưỡng long chầu nguyệt” đều là các hình ảnh hay gặp ở các bức điêu khắc đình, chùa, đền thờ, thể hiện sự tôn quý, uy nghiêm và khát vọng chiếm lĩnh tri thức.

Câu tục ngữ “Rồng đen lấy nước thì mưa - Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày” thể hiện hai hiện tượng thời tiết: Rồng đen chỉ mây đen kéo đến thì trời sẽ đổ mưa, còn rồng trắng là chỉ hiện tượng lốc xoáy, phá hoại mùa màng.

Đây cũng là câu ca dao thể hiện rõ nhất việc dân gian đã “di biến” hình tượng rồng từ địa vị cao quý dành cho vua chúa trở thành biểu tượng gần gũi với đời sống người dân.

Có thể nói, hình tượng Rồng xuất hiện rất đa dạng và phong phú trong nghệ thuật tạo hình dân gian, văn hoá thờ cúng và ngôn ngữ dân gian của người Việt, thể hiện khát vọng vươn lên, hướng tới những giá trị tri thức cao đẹp của người Việt.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P2)