Để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ứng viên phải cần được sự ủng hộ của 218 phiếu trong tổng số 435 ghế tại Hạ viện hoặc giành được sự ủng hộ của đa số hạ nghị sĩ có mặt tại cuộc bỏ phiếu.
Đây thường là công việc mang tính chất nội bộ của đảng chiếm đa số tại Hạ viện, cho nên, ứng viên cũng khó kỳ vọng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phe đối lập.
Nếu không có Chủ tịch, Hạ viện sẽ không thể thực hiện các chức năng quan trọng của mình và cơ quan lập pháp này sẽ phải liên tục bỏ phiếu bầu cho đến khi chọn ra người phù hợp.
Đây cũng là tình huống xảy ra hồi tháng 1/2023 với ông Kevin McCarthy, 57 tuổi.
Khi đó, ông McCarthy vấp phải sự phản đối từ một nhóm nhỏ cực hữu trong nội bộ đảng, khiến ông không thể có đủ 218 phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Chỉ đến vòng bỏ phiếu thứ 15, sau khi ông McCarthy chấp nhận một loạt thỏa hiệp với các thành viên cực hữu của đảng Cộng hòa, ông mới được bầu làm Chủ tịch Hạ viện.
Trong số những thỏa hiệp đó, ông McCarthy chấp nhận một quy định mới, cho phép bất cứ Hạ nghị sĩ nào cũng có thể trình nghị quyết "tuyên bố văn phòng Chủ tịch Hạ viện vô chủ" mà không cần thêm sự ủng hộ từ ai khác.
Chính sự nhượng bộ này đã khiến ông McCarthy mất ghế Chủ tịch Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/10, theo kiến nghị bãi nhiệm từ Matt Gaetz, một Hạ nghị sĩ Cộng hòa cực hữu.
Đây là lần đầu tiên trong 234 năm, Hạ viện Mỹ ủng hộ một nghị quyết bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan này, hơn nữa, nghị quyết bãi nhiệm lại được khởi xướng bởi chính người cùng đảng với Chủ tịch Hạ viện.
Về phần ông Trump, theo đài CNN của Mỹ, sau khi ông McCarthy bị bãi nhiệm, cựu Tổng thống Mỹ đã được hai Hạ nghị sỹ đảng Cộng hoà là Troy Nehls của bang Texas và Taylor Greene đến từ bang Georgia công khai ủng hộ làm Chủ tịch Hạ viện.
Trả lời các phóng viên bên ngoài tòa án ở khu Hạ Manhattan hôm 5/10, ông Trump cho biết: “Rất nhiều người đã ủng hộ tôi làm Chủ tịch Hạ viện. Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì tốt nhất cho đất nước và đảng Cộng hòa”.