Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phân tích, Ngoại ngữ là một công cụ và hiện nay hầu hết học sinh có cơ hội học từ bậc phổ thông tới đại học, khi đi làm… Ngoại ngữ cũng có thể được đánh giá ở nhiều thời điểm, mục đích khác nhau.
Đặc biệt, điều kiện về dạy và học Ngoại ngữ ở nước ta, nhất là các vùng sâu, vùng xa đang gặp khó cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và điều kiện dạy học. Thế nên, việc Ngoại ngữ là môn bắt buộc sẽ không công bằng giữa các học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi và vùng sâu, vùng xa.
“Việc học ngoại ngữ hiện nay đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh chứ không phải vì thi tốt nghiệp các em mới học”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Cùng lo ngại về tính bất bình đẳng giữa học sinh thành phố với học sinh vùng sâu vùng xa khi Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018 dẫn chứng thực tế, kết quả môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, học sinh các thành phố lớn luôn đứng đầu bảng.
Vì vậy, NGND Hồ Sĩ Đàm cho rằng, với phương án thi này, học sinh vùng sâu vùng xa rất thiệt thòi, gây mất công bằng cho giáo dục ở các địa phương. Ngoại ngữ cũng như Tin học và các môn học khác, học sinh nào có khả năng, nguyện vọng thì nên trao cơ hội lựa chọn các em, tránh áp đặt bắt buộc, lặp lại thi gì, học nấy.
Bộ GDĐT đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án.
Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.
Phương án 3+2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.
Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.