'Lợi bất cập hại' trong chiến lược ngoại giao ‘bạn cũ’ của Trung Quốc đối với Mỹ

Bảo Hà | 31/07/2023, 23:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giới quan sát nhận định sẽ rất có ít hiệu quả và thành công từ chiến lược của Bắc Kinh dựa vào các bên trung gian để chuyển thông điệp tới chính phủ Mỹ.

Lợi bất cập hại trong chiến lược ngoại giao ‘bạn cũ’ của Trung Quốc đối với Mỹ - Ảnh 1.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị khi ông đến Bắc Kinh hồi tháng 7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc/AP

Đầu tháng 7, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đến thăm Trung Quốc, đánh dấu mốc một sự kiện trọng đại được diễn ra.

Ngoài việc được chính phủ Trung Quốc chiêu đãi một bữa trưa thịnh soạn, nhà ngoại giao kỳ cựu 100 tuổi này còn gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Ông Kissinger cũng hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, khác với một số quan chức Mỹ trong các chuyến công du Trung Quốc gần đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình miêu tả Kissinger - người mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung vào những năm 1970 và đã đến nước này hơn 100 lần - là một "người bạn cũ".

“Chúng tôi không bao giờ quên những người bạn cũ của chúng tôi, cũng như những đóng góp lịch sử của các bạn trong việc thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ Trung-Mỹ và tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc”, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Tập Cận Bình.

Thuật ngữ “bạn cũ” cũng được áp dụng cho một người Mỹ khác, Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, khi ông này đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6. Trong lần gặp tỷ phú Mỹ, ông Tập Cận Bình nói: “Tôi luôn tin rằng nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ nằm ở người dân. Tôi đặt hy vọng của mình vào người dân Mỹ”.

Trung Quốc thường dành thuật ngữ “bạn cũ” cho những cá nhân nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của nước này và quan tâm đến lợi ích của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho biết Bắc Kinh sử dụng chiến lược ngoại giao “bạn cũ” nhằm tập hợp những người Mỹ có ảnh hưởng, những người dễ tiếp thu quan điểm của Trung Quốc hơn trong bối cảnh hai siêu cường cạnh tranh gần đây đã nỗ lực nối lại các tương tác cấp cao và hàn gắn quan hệ.

Nhưng họ cho rằng thành công của chiến lược có thể bị hạn chế, do chiến thuật này phản ánh khả năng mất kết nối ngày càng tăng giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ.

Victor Shih, phó Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California (San Diego, Mỹ), cho biết hình thức ngoại giao này khuyến khích những người bạn cũ có chọn lọc thay mặt Trung Quốc vận động hành lang tại Mỹ.

“Giới lãnh đạo rõ ràng nhận ra rằng các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc vẫn cần những trung gian này”, ông Shih nói, đồng thời gợi ý rằng điều này có thể xuất phát từ sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch của nền kinh tế Mỹ.

Mục đích chuyến đi Trung Quốc gần đây của cựu Ngoại trưởng Kissinger là nhằm tìm hiểu thực tế. Dự kiến ông sẽ chia sẻ thông tin chi tiết với các quan chức Mỹ khi trở về. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh ông đi đến Trung Quốc với tư cách là một công dân chứ không phải đại diện cho chính phủ Mỹ.

Alfred Wu, phó Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết cách tiếp cận hướng về những người bạn cũ chỉ được nhìn nhận qua lăng kính chính trị của chính Trung Quốc.

Thay vì giúp thúc đẩy quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, cách tiếp cận này có thể phản tác dụng. Theo ông Wu, điều nguy hiểm là một chiến thuật như vậy có thể tạo ấn tượng rằng chính phủ Trung Quốc muốn hướng đến nhóm người không nắm quyền được chọn lọc. Ông Wu chỉ ra ngoại giao đòi hỏi phải giao tiếp với các quan chức hiện nắm quyền và Trung Quốc “cần phải hiểu điểm này”.

Theo phó Giáo sư Shih, trong khi cựu Ngoại trưởng Kissinger vẫn có ảnh hưởng trong giới chính trị thì ảnh hưởng ở Mỹ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Bill Gates lên xuống thất thường.

Cũng có khả năng những người “bạn cũ” đã nói điều rất khác ở quê nhà so với những gì họ nói ở Trung Quốc, làm hạn chế sự thành công trong kế hoạch ngoại giao của Bắc Kinh.

Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger, cho biết các cuộc gặp những người bạn cũ sẽ không làm thay đổi tiến trình quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Từng là một nhà ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh, ông Daly nhấn mạnh yêu cầu các trung gian chuyển thông điệp tới Washington là việc làm vô ích.

“Khi quay trở lại Mỹ mà họ nói phía Trung Quốc cho rằng mọi xích mích trong quan hệ song phương là lỗi của Mỹ hoặc ông Tập Cận Bình yêu hòa bình và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, điều đó sẽ không có giá trị. Tuy nhiên, nếu có một thông điệp mới và ý nghĩa, thì không phải không có đột phá”, cựu nhân viên ngoại giao Daly lý giải.

Trong khi đó, một số chyên gia khác nhận định việc Trung Quốc tranh thủ “những người bạn cũ” phản ánh sự mất kết nối ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các quan chức và học giả đang lên Mỹ.

Nhà quan sát chính trị Trung Quốc Zhou Zhixing đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng điều đó cho thấy Bắc Kinh thất bại trong việc kết nối và không nắm rõ thế hệ chuyên gia Trung Quốc mới nổi ở Mỹ.

Phó Giáo sư Shih nói thêm 3 năm đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19, khiến hai nước ít trao đổi học thuật và chính thức đóng một phần nào đó làm hai bên không hiểu rõ lẫn nhau. Trong khi đó, ông Wu cho biết vấn đề có thể nằm ở việc Bắc Kinh không muốn tiếp xúc với các quan chức Mỹ mang thái độ tiêu cực về Trung Quốc.

Bài liên quan
Vì sao Ukraine "tha thiết" muốn Trung Quốc dự hội nghị ở Thụy Sĩ?
Ông Zelensky tuyên bố muốn hợp tác với các quốc gia như Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tham gia hội nghị đàm phán hòa bình ở Thụy Sĩ vào tháng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Lợi bất cập hại' trong chiến lược ngoại giao ‘bạn cũ’ của Trung Quốc đối với Mỹ