(GDTĐ) - Một nghiên cứu tâm lý học cho thấy lợi ích tích cực của sự đồng cảm với bản thân trong các mối quan hệ.
Chuyên gia Robert Körner và các đồng nghiệp tại Đại học Martin-Luther (Đức), định nghĩa khả năng tự đồng cảm là việc con người ta có thể đối diện với những khó khăn một cách thấu hiểu và vị tha cho chính bản thân.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng khả năng này rất quan trọng trong việc xây dựng sự hạnh phúc của mỗi cá nhân, đồng thời cũng có lợi cho các mối quan hệ gần gũi và thân thiết của các nhân đó. Bởi vì, khi bạn có thể tha thứ cho bản thân, bạn cũng có thể tha thứ cho đối phương của mình về những điểm yếu hết sức tự nhiên và bình thường xuất hiện trong cuộc sống.
Lòng trắc ẩn đối với bản thân gồm 3 yếu tố: lòng tốt với bản thân (khi đối diện với những khiếm khuyết), tình người (hiểu rằng tất cả mọi người đều có quyền mắc lỗi và được sửa sai) và sự chánh niệm (nhận ra lỗi lầm mà không phán xét).
Có rất nhiều lợi ích tích cực có liên quan đến lòng trắc ẩn với bản thân, như đã chỉ ra trong các nghiên cứu trước đây: Từ sự lạc quan, vui vẻ đến mức độ cortisol thấp hơn, một loại hormone gây căng thẳng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người có lòng trắc ẩn sẽ nhìn nhận người đồng hành trong cuộc sống của họ một cách tích cực và đồng cảm hơn.
Họ thể hiện sự chấp nhận vô điều kiện, ít công kích bằng lời nói và gắn bó hơn với người bạn đời của mình. Những người có lòng trắc ẩn cao cũng thường ít thể hiện sự ghen tuông.
Nhìn chung, khả năng tự thấu cảm sẽ tốt hơn cho bạn và mối quan hệ của bạn, giúp ta có thể tha thứ và thấu hiểu thay vì tự trách phạt bản thân mình mỗi khi mắc lỗi.