Đánh giá về hiệu quả việc lồng ghép giáo dục STEM vào các môn học, bà Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái) cho rằng học sinh trường dân tộc nội trú được học mô hình STEM có tác động tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Lý do là cách tiếp cận kiến thức gần gũi, thực tế, học sinh sẽ chủ động, thích thú với việc học tập.
Từ đó, giáo viên sẽ khuyến khích các em xây dựng mục tiêu, định hướng nghề nghiệp cho mình phù hợp với tổ hợp mà mà các em đang theo đuổi.
Theo bà Ngọc thì học trò học theo cách tiếp cận giáo dục STEM nắm kiến thức chắc chắn hơn; tăng khả năng sáng tạo, tư duy logic và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện, nhưng không gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh. Điều này sẽ giúp các em có cái nhìn tổng quan về năng lực, sở thích của bản thân trong tương lai.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) cho biết, quá trình lồng ghép STEM vào các môn học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tế, dự án và thử nghiệm, học sinh có cơ hội khám phá sâu hơn về các ngành nghề trong tương lai, tự do lựa chọn ngành học và nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Bên cạnh đó, giáo dục STEM giúp kích thích sự tò mò, tạo cơ hội thực hành tương tác trực tiếp với các dự án và thử nghiệm. Từ đó, các em sẽ áp dụng kiến thức vào thực tế, góp phần tạo động lực học tập, giúp học sinh cuối cấp có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường học tập và nghề nghiệp mà bản thân muốn.
“Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thực tế, nhiều học sinh phổ thông từ các tiết học STEM đã nghiên cứu thành công sản phẩm mang đi thi tại cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Hay nhiều sinh viên đã thành công nhờ những ý tưởng khi còn học bậc phổ thông vào đại học các em có thêm môi trường để phát triển thành sản phẩm ứng dụng với thực tế”, ông Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) nói.
“Việc dạy học STEM trong nhà trường bước đầu đã tạo cho học sinh hứng thú khởi nghiệp, học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.
Tham gia hoạt động giáo dục STEM, học sinh thấy được mối liên hệ gần gũi giữa kiến thức lý thuyết và thực tế cuộc sống, tạo niềm yêu thích khoa học, kỹ thuật. Từ đó, học trò có định hướng cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai”, bà Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái).