Người biết nhiều thì giao bài nhiều hơn, nhóm biết tự học thì giao cho tự học, phần còn lại, cô tập trung cho nhóm hạn chế hơn. Đến nay, sau hơn 2 tháng cố gắng của người dạy và các học viên, chị em đã biết đọc, biết viết, có chị đã nhắn tin được bằng điện thoại.
Đại úy Nguyễn Kim Trọng - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết, điều kiện cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày tại bản Phồng còn rất khó khăn. Để duy trì được lớp học đều đặn, đơn vị đã cử cán bộ đi đến từng nhà tuyên truyền.
Đồng thời, thông báo qua hệ thống loa truyền thanh của bản để các học viên tham gia lớp học được đông đủ và đúng giờ. Lớp học được ấn định vào 2 ngày trong tuần để các học viên không bị quên.
Từ những kết quả đạt được, trong tương lai Đồn Biên phòng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, trường học để mở thêm những lớp học khác.
Theo Đại úy Trọng, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thì việc xây dựng nền Biên phòng toàn dân, củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Lương Phi Thanh – Chủ tịch UBND xã Tam Hợp chia sẻ, địa phương là xã biên giới khó khăn của tỉnh Nghệ An, nơi sinh sống của 5 đồng bào dân tộc, tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50%.
Nhờ những cố gắng, nỗ lực của các chiến sĩ Biên phòng và các thầy, cô giáo đã giúp bà con nơi đây biết đọc, biết viết, tự chủ hơn trong cuộc sống.
“Có cái chữ, cuộc sống của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ đỡ vất vả hơn. Cùng với đọc thông, viết thạo, thông qua sách báo, các chị còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng văn minh, giàu đẹp”, ông Thanh nói thêm.
Dự kiến, sau khi kết thúc khóa học tại bản Phồng, Đồn Biên phòng Tam Hợp sẽ mở thêm lớp dạy chữ cho chị em đồng bào người Mông ở bản Phà Lỏm.